Ngày 15/5, tại Kỳ họp thứ 16 (Kỳ họp chuyên đề), HĐND TP.Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của TP Hà Nội.
Theo đó, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của TP.Hà Nội giảm từ 579 đơn vị xuống còn 518 đơn vị, giảm 61 đơn vị xã phường/tổng số 624 xã, phường của toàn quốc, chiếm tỷ lệ khoảng gần 10% số lượng đơn vị hành chính cấp xã của toàn quốc sẽ giảm do sắp xếp đợt này).
Đáng chú ý, từ nay đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu đưa huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận. Ngoài ra, TP.Hà Nội còn đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đưa các huyện Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng lên quận.
Quang cảnh kỳ họp thứ 16 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP.Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh hanoi.gov.vn
Theo HĐND TP.Hà Nội, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP.Hà Nội đã đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Trung ương, quy định của pháp luật, sự chỉ đạo của Thành ủy và phù hợp với thực tiễn địa phương.
Sau khi Nghị quyết thông qua, HĐND TP giao UBND TP.Hà Nội hoàn thiện Hồ sơ, Đề án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của TP.Hà Nội theo quy định của pháp luật. Giao Thường trực HĐND TP, các Ban HĐND TP, các Tổ đại biểu HĐND TP và các đại biểu HĐND TP giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Cũng tại phiên họp sáng nay, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP.Hà Nội đã thông qua Nghị quyết ban hành Quy định hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) trên địa bàn TP.Hà Nội.
Theo đó, HĐND TP quyết nghị, hỗ trợ 100% mức phí phải nộp của các đối tượng quy định tại Điều 2 của Nghị quyết này mà không thuộc đối tượng được miễn phí theo quy định tại Thông tư số 244/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin Lý lịch tư pháp.
Kết quả biểu quyết thông qua một chủ trương quan trọng tại kỳ họp thứ 16 (kỳ họp chuyên đề) của HĐND TP.Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh hanoi.gov.vn
Trường hợp đối tượng quy định tại Điều 2 của Nghị quyết này có yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp đề nghị cấp trên 2 phiếu (từ phiếu thứ 3 trở lên) trong một lần yêu cầu thì được hỗ trợ tối đa 50.000 đồng/lần/người (tương đương 10 Phiếu Lý lịch tư pháp.
HĐND TP.Hà Nội cũng đồng ý tán thành kéo dài kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND TP quy định giá dịch vụ giáo dục tạm thời để thực hiện thí điểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sử dụng ngân sách Nhà nước của TP.Hà Nội để áp dụng cho năm học 2024-2025.
Đồng thời, thông qua Nghị quyết ban hành bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn TP.Hà Nội, bao gồm: 01 dịch vụ "Duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế hệ thống cấp nước chữa cháy".
Bên cạnh đó, HĐND TP.Hà Nội cũng đã đồng ý việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công và thẩm quyền quyết định việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của TP.Hà Nội.
Đây là nội dung quan trọng, cần thiết để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các quy định trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công đảm bảo đúng quy định, phù hợp thực tiễn của TP và tiếp tục phương châm tăng cường phân cấp, uỷ quyền theo Nghị quyết số 23 ngày 12/9/2022 của HĐND TP về Đề án phân cấp quản lý Nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP Hà Nội.
Ngoài ra, HĐND TP.Hà Nội tán thành báo cáo của UBND TP về kế hoạch đầu tư công năm 2024 và bổ sung, bố trí vốn cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của TP thuộc các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, văn hoá, thể thao, giao thông, đô thị, để kịp thời giải quyết, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của TP.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: Kỳ họp thứ 16, kỳ họp chuyên đề của HĐND TP Hà Nội đã thành công tốt đẹp, tại kỳ họp các đại biểu HĐND đã biểu quyết thông qua với tỷ lệ thống nhất cao 8 Nghị quyết để kịp thời quyết định các nội dung, cơ chế, chính sách quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của Thành phố.
TP Hà Nội hiện có 579 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 383 xã, 175 phường, 21 thị trấn. Trong giai đoạn 2023-2025, có 173 xã, phường thuộc diện phải sáp nhập. Tuy nhiên, qua rà soát, TP Hà Nội cho biết, 73 xã, phường có yếu tố đặc thù không thực hiện sắp xếp.
Như vậy, chỉ còn lại 100 xã, phường của các quận, huyện phải sáp nhập trong 2 năm tới. Sau khi sáp nhập, Hà Nội sẽ giảm 61 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 46 xã, 15 phường. Từ sau năm 2025, cả Hà Nội chỉ còn lại 518 xã, phường, thị trấn.
Sau sắp xếp các phường, 6 quận (Cầu Giấy, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Thanh Xuân) và thị xã Sơn Tây có đơn vị hành chính mới.
Riêng quận Cầu Giấy chỉ điều chỉnh địa giới hành chính và dân số một số phường để phù hợp quy định nhưng vẫn giữ nguyên số lượng và tên gọi các phường. Theo đó, quận Cầu Giấy điều chỉnh một phần phường Yên Hòa, Dịch Vọng vào phường Quan Hoa; một phần phường Nghĩa Đô, Dịch Vọng và Dịch Vọng Hậu vào phường Nghĩa Tân.
Tại 12 huyện (Gia Lâm, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thanh Oai, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì, Chương Mỹ, Mê Linh) có 36 xã mới được sắp xếp từ 76 xã.
Quốc Bảo - Pháp luật Plus