Đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết
Theo đó, Hà Nội đã đặt tên đối với 38 đường, phố và điều chỉnh độ dài 9 đường, phố (tại các quận Long Biên, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm và huyện Gia Lâm).
Trong số 38 đường, phố được đặt tên, có phố Xuân Quỳnh (quận Cầu Giấy) bắt đầu từ ngã ba giao cắt phố Vũ Phạm Hàm, đối diện Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 (số 5 Vũ Phạm Hàm) đến ngã ba giao cắt đối diện tòa nhà Trung Yên Plaza (UDIC) tại tổ dân phố 28 - phường Trung Hòa. Phố dài 470m, rộng 10m (lòng đường rộng 6m, vỉa hè mỗi bên rộng 2m).
Phố Lưu Quang Vũ (quận Cầu Giấy) dự kiến từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Khang tại số nhà 69 đến ngã ba giao cắt ngõ 22 Trung Kính, đối diện trường THCS Yên Hòa. Chiều dài phố là 430m, rộng 17,5 - 26 m (lòng đường 7,5-13m, vỉa hè mỗi bên từ 5 đến 6,5m).
Ngoài ra còn có các phố như Chế Lan Viên, Minh Tảo, Thuận An; Đường Lý Tử Tấn, Chùa Thầy, Bát Tràng…
Trước đó, thẩm tra tờ trình, Ban Pháp chế HĐND TP cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết. Sau khi được HĐND TP thông qua, đề nghị UBND TP chỉ đạo công tác gắn biển tên, đánh số nhà đối với các đường, phố mới được đặt tên, đổi tên theo đúng quy định.
Sở Văn hóa và Thể thao nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn TP, trong đó lưu ý phương án đặt tên các tuyến đường, phố theo xu hướng hiện đại (theo ký tự, số), nhất là tại các khu vực đô thị mới phát triển; Tiếp tục rà soát, xử lý nghiêm việc tự ý gắn biển tên đường, phố trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.
Nhà thơ Xuân Quỳnh sinh năm 1942 tại xã Văn Khê, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây, nay là quận Hà Đông, Hà Nội. Bà là một trong những gương mặt thơ nữ xuất sắc của văn đàn thế kỷ 20, nổi tiếng với nhiều tác phẩm như Thuyền và biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng gà trưa...
Năm 2017, bà được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh vì những thành tựu cho nền văn học.
Nhà thơ Lưu Quang Vũ sinh ngày 17/4/1948 tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, quê gốc ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Ông là con trai của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và bà Vũ Thị Khánh. Khoảng năm 1954, gia đình ông chuyển về sống tại Hà Nội.
Ông là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch tài hoa. Tên tuổi của Lưu Quang Vũ gắn với nhiều tác phẩm sân khấu giá trị như: Hồn Trương Ba da hàng thịt, Tôi và chúng ta, Mãi mãi tuổi 17, Nàng Sita... Ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.
Nhà thơ Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh kết hôn năm 1973. Ngày 29/8/1988, hai vợ chồng và con Lưu Quỳnh Thơ qua đời trong một tai nạn ôtô tại đầu cầu Phú Lương, Hải Dương.
|
Hạnh Nguyên - TTTĐ