Thống kê cho thấy, trên địa bàn Hà Nội có gần 100.000 đơn vị, doanh nghiệp đang tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) với hơn 2 triệu người lao động thuộc đối tượng tham gia các chính sách theo diện bắt buộc. Dù đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đôn đốc thu, giảm tối đa số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, song tình trạng chậm đóng vẫn chưa được khắc phục. Số tiền chậm đóng BHXH, BHYT của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội hiện lên đến hơn 4.000 tỷ đồng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 600.000 người lao động.
Các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành về chậm đóng BHXH.
Trong danh sách chậm đóng, trốn đóng BHXH có hơn 15.500 đơn vị, doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động, không còn hoạt động, không có khả năng tài chính đóng BHXH, BHYT, đồng nghĩa BHXH thành phố Hà Nội rất khó thu hồi số tiền chậm đóng.
Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, BHXH thành phố Hà Nội đã chủ động báo cáo, tham mưu Thành ủy, UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai đến các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành nhằm đôn đốc thu, giảm tối đa số tiền chậm đóng.
Với các đơn vị có hành vi vi phạm nghiêm trọng, BHXH thành phố đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự, nhưng chưa có doanh nghiệp nào bị xử lý do vướng nhiều yếu tố. Ngoài ra, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội tiến hành hàng nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành đối với các đơn vị chậm đóng BHXH kéo dài…
Tuy nhiên, các giải pháp đã, đang thực thi chưa khắc phục được tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, nhất là đối với các đơn vị, doanh nghiệp không còn hoạt động. Do đó, BHXH thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ sớm có nghị định về xử lý đối với các đơn vị sử dụng lao động mất tích, giải thể, phá sản, ngừng, dừng giao dịch, người sử dụng lao động bỏ trốn, không có khả năng thu hồi số tiền chậm đóng BHXH, BHYT. Ngoài ra, BHXH thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng (Tòa án, Viện Kiểm sát, Cơ quan điều tra) có hướng dẫn cụ thể về xử lý hình sự đối với các đơn vị trốn đóng theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.
Từ thực tế thực hiện các chính sách, BHXH thành phố Hà Nội cũng kiến nghị các cơ quan chức năng không cấp giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp trước đây đã hoạt động mà trốn tránh trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT cho người lao động; đồng thời yêu cầu các đơn vị phải khắc phục ngay tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT.
Hà Hiền - Hà Nội mới