Chiều 10/3, chủ trì hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho ý kiến về chủ trương hoàn thiện Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, các chuyên gia đầu ngành mà Thành ủy Hà Nội tham vấn đều nhận định, đây là đồ án tốt nhất từ trước đến nay và đủ điều kiện để được phê duyệt.
Tham dự hội nghị có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.
Tạo trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa lịch sử
Tại hội nghị, Ban Thường vụ Thành ủy đã nghe báo cáo, ý kiến thẩm định của Văn phòng Thành ủy, trao đổi thảo luận của các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, trọng tâm là tập trung làm rõ một số vấn đề quan trọng như: Báo cáo đánh giá tác động môi trường, phân tích tính kinh tế, khái toán chi phí, tính toán lợi ích, phương thức huy động vốn và thực hiện quy hoạch... Trên cơ sở xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng, Ban Thường vụ Thành ủy nhất trí cao về chủ trương giao Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng; xin ý kiến Bộ NN&PTNT về các nội dung liên quan đến Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ liên quan, xin ý kiến Bộ Xây dựng đối với việc cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (tỷ lệ 1/5000) được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích khoảng 11.000 ha; thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện; dân số tính toán theo quy hoạch từ 280 - 320.000 người. Khác biệt với các đồ án quy hoạch phân khu đô thị khác, không gian nghiên cứu Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng nêu trên thuộc không gian dành cho thoát lũ ngoài đê sông Hồng, có quy mô, tính chất phức tạp với nhiều yếu tố đan xen... Đây được xác định là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí, biểu tượng của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch.
Bên cạnh việc bố trí dịch vụ giao thông đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị, đồ án còn nhằm hình thành trục không gian văn hóa - cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo đô thị hai bên sông Hồng.
Quang cảnh hội nghị.
Bảo đảm đồ án quy hoạch có chất lượng cao nhất
Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, trước đây mọi người nói Hà Nội quay lưng vào sông Hồng nhưng với quy hoạch này, Hà Nội sẽ quay mặt vào sông Hồng để phát triển. Sông Hồng có tổng chiều dài khoảng 1.300km; chảy qua Việt Nam khoảng 600km, trong đó chảy qua địa phận Hà Nội khoảng 118km.
Từ năm 1954 đến nay, có 7 lần quy hoạch chung Thủ đô đã được ban hành; mỗi lần đều đề cập đến quy hoạch không gian sông Hồng. Năm 2012, trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (Quyết định số 1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), UBND TP đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Từ đó đến nay, có khoảng 20 đề án, dự án quy hoạch liên quan đến sông Hồng của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước nhưng gần 10 năm qua, Hà Nội vẫn chưa có được quy hoạch này.
Việc Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua về chủ trương để xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, tiến sát bước được phê duyệt và ban hành là tiến bộ vượt bậc về công tác quy hoạch, cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; đáp ứng sự chờ đợi của người dân hàng chục năm qua.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, đồ án lần này được các chuyên gia hàng đầu về quy hoạch mà Thành ủy Hà Nội tham vấn nhận định là tốt nhất từ trước đến nay và quan trọng đủ điều kiện để được phê duyệt, thông qua. Đây là kết quả từ quyết tâm chính trị rất cao của TP đẩy mạnh nghiên cứu, thẩm định, phê duyệt quy hoạch này nhằm hiện thực hóa quy hoạch thủ đô từ năm 1954 đến nay, gần nhất là từ 10 năm trước; định hướng về không gian đô thị, chỉnh trang đô thị, giải quyết sinh kế cho người dân, chỉnh trị dòng chảy và hành lang thoát lũ.
Bí thư Thành ủy lưu ý, từ nay đến trước khi xin ý kiến các bộ, Ban Cán sự UBND TP chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp thu tối đa ý kiến của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện tối đa, bảo đảm Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có chất lượng cao nhất.
Dự kiến, sau khi thống nhất với Bộ Xây dựng về tiêu chuẩn, tiêu chí và ý kiến của Bộ NN&PTNT, TP sẽ phê duyệt, ban hành quy hoạch này vào khoảng tháng 6/2021.
Trần Long - Ảnh: Thanh Hải - Theo KTĐT