Tình nghĩa đồng bào
Chiều 24/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài chủ trì họp Ban Thường vụ Thành ủy nghe báo cáo và cho ý kiến về các hoạt động tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Màn pháo hoa chào đón năm mới Giáp Thìn 2024. Ảnh minh họa: Duy Khánh
Hội nghị đã thảo luận kỹ, xem xét từng vấn đề, nêu ý kiến cụ thể đối với các đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP; trong đó, các ý kiến thống nhất cao việc điều chỉnh tầm mức các hoạt động, nhiều ý kiến đề nghị dừng hẳn hoạt động bắn pháo hoa.
Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, Ban Thường vụ Thành ủy nhất trí cao chỉ đạo dừng bắn pháo hoa ở toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Theo các chuyên gia, quyết định dừng bắn pháo hoa là một minh chứng mạnh mẽ cho tình nghĩa đồng bào và tinh thần đoàn kết của TP Hà Nội. Việc chọn không tổ chức hoạt động chào mừng hoành tráng để hướng sự quan tâm vào việc cứu trợ đồng bào gặp khó khăn do thiên tai cho thấy sự ưu tiên, sẻ chia, đồng cảm sâu sắc của TP Hà Nội đối với người dân, các địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão lụt.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, quyết định này cho thấy lãnh đạo TP Hà Nội luôn lắng nghe nguyện vọng của Nhân dân, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra các quyết định liên quan đến phúc lợi xã hội, giúp củng cố niềm tin của người dân.
Quyết định dừng bắn pháo hoa chào mừng một sự kiện trọng đại của Thủ đô một lần nữa chứng minh, Hà Nội là trái tim của cả nước, nơi hội tụ và tỏa sáng những giá trị nhân văn, cao đẹp của cả dân tộc. Chính những giá trị này giúp xây dựng và củng cố một xã hội bền vững, đoàn kết và đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Việc dừng bắn pháo hoa sẽ tiết kiệm nguồn lực trong bối cảnh đất nước đang gặp nhiều khó khăn. Điều này thể hiện sự thấu hiểu, chia sẻ của Thủ đô Hà Nội với các địa phương gặp khó khăn do thiên tai, bão lũ. Đây chính là biểu hiện của tình nghĩa đồng bào - luôn đùm bọc và chia sẻ nhau trong mọi hoạn nạn, vui buồn. Điều này còn phản ánh tinh thần cống hiến, trách nhiệm xã hội không chỉ với những người dân Thủ đô mà còn với toàn thể dân tộc.
"Quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho thấy một sự nhất quán và quyết tâm cao trong việc giữ gìn, phát huy phẩm chất đẹp đẽ của dân tộc mà Hà Nội - trái tim của cả nước là đại diện. Hành động này cũng là một lời nhắc nhở, khơi dậy tinh thần yêu nước, sự đồng lòng và đoàn kết của mỗi người dân. Thông qua các quyết định như thế, nhiều truyền thống, giá trị văn hóa tốt đẹp được giữ gìn và phát huy” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.
Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái
Không chỉ dừng tổ chức bắn pháo hoa dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, với tinh thần "lá lành đùm lá rách", truyền thống “tương thân tương ái” thời gian qua, nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương và Nhân dân Thủ đô đã cùng chung tay góp sức, góp của hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ.
Trong bối cảnh cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây thiệt hại và ngập úng cho một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP, song Hà Nội vẫn luôn hướng về các tỉnh, thành chịu thiệt hại do mưa lũ.
Theo đó, tính từ ngày 9 - 19/9, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã tiếp nhận ủng hộ hơn 177 tỷ đồng từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm... Về công tác cứu trợ, Ủy ban MTTQ TP đã phân bổ hơn 81,5 tỷ đồng và 500 triệu đồng nhu yếu phẩm cho các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ; trong đó đợt 1 là 51 tỷ đồng cho 11 tỉnh và đợt 2 là 30 tỷ đồng cho 12 tỉnh, TP.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương, đây là con số không chỉ nói lên sức mạnh tinh thần đại đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái mà còn thể hiện sự tin tưởng, tin cậy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong và ngoài địa bàn TP, bằng sự chung tay góp sức với nhiều hình thức, cách làm khác nhau đã ủng hộ, hỗ trợ thiết thực cho đồng bào chịu ảnh hưởng bởi thiên tai.
Không chỉ ủng hộ các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3, trong những ngày tập trung khắc phục thiệt hại do bão lũ, trên địa bàn TP xuất hiện nhiều mô hình thiết thực tại các địa phương như: gói bánh chưng hỗ trợ Nhân dân bị ngập tại Ứng Hòa; tổ nhóm nấu cơm, gói bánh chưng ở huyện Quốc Oai; hỗ trợ địa điểm ăn ở, điểm trông giữ xe, hỗ trợ phương tiện di chuyển, lập nhóm hỗ trợ mua nhu yếu phẩm thiết yếu ở huyện Chương Mỹ; thành lập lực lượng "4 tại chỗ" hỗ trợ người di dời và ăn uống đầy đủ tại nơi tạm tại quận Bắc Từ Liêm...
kinhtedothi.vn