Hà Nội luôn sát cánh, hết lòng vì miền Nam ruột thịt

30/04/2022 09:52

Kinhte&Xahoi Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) có vị trí đặc biệt quan trọng ở hai đầu Tổ quốc. Thực tế đã khẳng định, Hà Nội - TP HCM luôn là trung tâm hội tụ, phát huy và lan tỏa các giá trị truyền thống, văn hóa của dân tộc Việt Nam, luôn có sự gắn kết máu thịt , sát cánh cùng nhau trong chiến đấu, xây dựng và phát triển.

Nghĩa vụ thiêng liêng

 Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, Nam Bộ là tiền tuyến lớn, miền Bắc - Thủ đô Hà Nội là hậu phương lớn; Tuy nhiệm vụ chiến lược khác nhau nhưng có mối quan hệ khăng khít với nhau, vì mục tiêu hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất nước nhà.

Là trung tâm của hậu phương lớn miền Bắc, Hà Nội luôn sát cánh cùng đồng bào Nam Bộ, làm trọn nghĩa vụ thiêng liêng, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Người Hà Nội luôn hướng về miền Nam với hàng ngàn cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành tố cáo tội ác tàn bạo của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Mặc dù là trọng điểm bị đế quốc Mỹ thường xuyên đánh phá, song Hà Nội luôn bảo đảm giao thông thông suốt, giữ vững đầu mối giao thông và hoạt động của các tổng trạm hàng hóa chi viện cho miền Nam; Hằng năm cung cấp hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, hàng trăm tấn thuốc và bông băng chi viện cho chiến trường… Hàng vạn cán bộ, thanh niên Thủ đô hết lớp này đến lớp khác đã xung phong lên đường vào Nam đánh giặc với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Bất kể hoàn cảnh nào cũng quyết tâm hoàn thành mọi yêu cầu của miền Nam”...

Chỉ tính từ năm 1965 đến năm 1975, Hà Nội đã động viên tuyển quân 29 đợt, với gần chục vạn người bổ sung cho các đơn vị bộ đội thường trực chiến đấu bảo vệ Thủ đô và chi viện cho các chiến trường; Hơn 11.500 cán bộ, chiến sĩ những người con ưu tú của Hà Nội đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngay sau chiến tranh, miền Bắc và Thủ đô Hà Nội đã điều động khối lượng lớn nhân lực, vật lực góp phần tiếp quản, ổn định chính trị - xã hội vùng mới giải phóng.

Những chiến công, sự giúp đỡ chân tình và tình nghĩa keo sơn, gắn bó thủy chung giữa Hà Nội và TP HCM được thử thách trong bom đạn, được bồi đắp trong những năm tháng khắc nghiệt ngay khi đất nước vừa thống nhất là những dấu ấn không thể phai mờ.

Đặc biệt trong hai năm chống “giặc” dịch, tình nghĩa Hà Nội - TP HCM lại tiếp tục được khẳng định. Những ngày giãn cách xã hội trong năm 2021, người Hà Nội vẫn không quên hướng về TP HCM- nơi tâm dịch. Họ bảo nhau "Bắc - Nam một nhà", "Chỉ khi miền Nam thắng dịch, cả nước mới trọn vẹn niềm vui…"

Đại dịch COVID-19 bùng phát đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống dân sinh. Có những thời điểm, mọi hoạt động tại Thủ đô Hà Nội rất khó khăn vì tỷ lệ ca nhiễm mới tăng cao.

Bộ đội miền Bắc, trong đó có hàng vạn người con Thủ đô, vượt dãy Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam (Ảnh tư liệu).

Tuy nhiên, giữa lúc khó khăn nhất, người Hà Nội luôn toát lên "tinh thần Tràng An" vốn có. Họ kêu gọi nhau ủng hộ từng lọ nước rửa tay sát khuẩn, từng chiếc khẩu trang, từng bữa ăn cho các y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Họ ca hát, vẽ tranh để động viên nhau vững trí, vững lòng. Họ gửi yêu thương tới miền Nam trong những ngày cả nước một lòng vượt qua gian khó.

Những chiến sĩ đầu tiên xung phong vào Nam chống giặc COVID-19 là các y, bác sĩ. Hơn ai hết, họ đều ý thức được đây là một chuyến đi nhiều vất vả và chưa hẹn ngày về, nhưng họ khao khát được cống hiến, được dốc lòng vì người bệnh. Có những gia đình cả vợ, cả chồng xung phong đi chuyến đầu; nhiều y, bác sĩ là “con một”, “độc đinh”…

Cùng với các y, bác sĩ, người Hà Nội cũng không ngừng hướng yêu thương về TP HCM, nơi đang là tâm dịch. Họ tìm mọi cách để chuyển lương thực, thiết bị y tế và các dụng cụ cần thiết vào thành phố mang tên Bác với tâm niệm "Bắc – Nam một nhà, đồng bào là ruột thịt".

Vào thời điểm đó, anh Lê Văn Trung (sinh năm 1987, làm kinh doanh tại Hà Nội) đã cùng nhóm bạn chung tay mua 30 tấn gạo, 1.500 chai dầu ăn, 19.200 bịch sữa và hàng loạt nhu yếu phẩm cho đồng bào tại TP HCM. Có những đêm, khi đầu mối mua gạo, mì tôm bị đứt đoạn do người vận chuyển trở thành F0, cả nhóm thức trắng để tìm kiếm địa chỉ mới. "Tôi trăn trở chỉ mong TP HCM chóng khỏe, người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường", anh Trung chia sẻ.

Hay những gia đình ba thế hệ ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) thức đêm làm ruốc nấm gửi đồng bào miền Nam; cả anh lái xe khách Bắc Giang vượt hàng nghìn cây số, hàng chục cuộc test COVID-19 để vào tâm dịch…

Tất cả những câu chuyện bình dị như thế mặc dù chưa đủ nói lên những tình cảm, vật chất, con người mà Hà Nội – trái tim của cả nước gửi tới miền Nam yêu thương, nhưng có thể tạm gói gọn trong lời cảm thán của cô bé tình nguyện viên tại TP HCM: “Em thật sự không thể tưởng tượng được tình cảm của người Thủ đô dành cho đồng bào TP HCM lớn đến thế. Nhìn những thứ mọi người tự làm, em không thể cầm được nước mắt… Đồng bào ở đây cũng rưng rưng khi nhận được những lời nhắn từ Hà Nội!"

Trong cuộc chiến chống giặc COVID-19, TP HCM là tâm điểm, chịu thiệt hại nặng nề của đợt bùng phát dịch lần thứ tư, nhưng đến nay đã vượt qua được thời khắc khó khăn nhất.

Ngoài sự nỗ lực của Nhân dân và cán bộ TP, kết quả này còn nhờ sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân cả nước hướng về TP HCM với trách nhiệm và tình cảm yêu thương sâu sắc, trong đó có lãnh đạo và Nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Hai “đầu tàu” ở hai miền đất nước

 “Thành ủy TP HCM nhận thức sâu sắc rằng, không có sự chi viện của đồng bào cả nước thì TPHCM không có được ngày hôm nay” - đồng chí Nguyễn Văn Nên, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP HCM nhấn mạnh.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP HCM, đồng chí Nguyễn Văn Nên trân trọng cảm ơn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội suốt thời gian qua luôn hướng về TP HCM và các địa phương phía Nam với tình cảm cao cả, giúp TP HCM phòng, chống dịch, chữa trị cho người dân, chăm lo an sinh xã hội...

Sự quan tâm sẻ chia đó đã tiếp thêm động lực cho Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân TP chiến đấu trong đợt dịch vừa qua, cũng như tiếp tục vượt qua mọi khó khăn phía trước, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng với vai trò, vị trí và sự tin tưởng, kỳ vọng của Nhân dân cả nước.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cũng đã trao Thư cảm ơn của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân TP HCM gửi Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân Thủ đô Hà Nội về những giúp đỡ, hỗ trợ vừa qua.

Mặc dù dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng “những cơn sóng lớn” dường như đã qua, giờ đây Hà Nội, TP HCM và cả nước đang bước vào giai đoạn bình thường mới. Với hướng đi đúng, Hà Nội và TP HCM có nhiều nỗ lực để nhanh chóng vượt qua dịch bệnh, phát triển ổn định với tốc độ cao theo hướng bền vững; các thành phần, các ngành, các lĩnh vực kinh tế đều phát triển, trong đó ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có trình độ, chất lượng cao và sản phẩm mũi nhọn, luôn dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài và hội tụ nhiều yếu tố làm tiền đề thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Cán bộ y tế Bệnh viện Việt Đức xúc động chia tay nhau lúc lên đường chi viện cho TP HCM chống dịch

Với vị thế là hai “đầu tàu kinh tế” của cả nước, những năm qua Hà Nội và TP HCM luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới, trước hết là trên lĩnh vực kinh tế, không chỉ đóng góp cho cả nước những bước phát triển quan trọng, khơi nguồn đổi mới tư duy lý luận, tư duy kinh tế mà còn đóng góp những bài học kinh nghiệm quý báu cho công cuộc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Hà Nội đã vận dụng những bài học kinh nghiệm quý của TP HCM trong các lĩnh vực như: Cải cách hành chính, quy hoạch và quản lý đô thị, quy hoạch phát triển các trung tâm thương mại, khu đô thị tập trung, khắc phục ách tắc giao thông, xử lý ô nhiễm môi trường, quản lý khu công nghiệp và xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục, y tế, thể thao, giao thông,... để Hà Nội ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp, văn minh - hiện đại, xứng tầm là Thủ đô của một đất nước đang trên đà phát triển và hội nhập quốc tế.

Những ngày tháng 4 đặc biệt, người dân Hà Nội vẫn không quên gửi yêu thương tới đồng bào miền Nam từ những điều bình dị, bé nhỏ. Để rồi cùng động viên nhau, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cuộc chiến nào, chúng ta cũng đoàn kết, sẻ chia, kiên cường và giành chiến thắng.

Hoa Thành - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội ngày 30-4

Sáng sớm 30-4, tiết trời dịu mát. Khắp các con phố ở Thủ đô Hà Nội rực rỡ cờ, hoa, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022) và Ngày Quốc tế lao động 1-5. Không khí hân hoan hiển hiện muôn nơi.

TP Hồ Chí Minh: 47 năm niềm tin chiến thắng và khát vọng vươn lên tầm cao mới

Sau 47 năm ngày giải phóng, TP Hồ Chí Minh vẫn luôn giữ vững tự tin chiến thắng mọi gian khó, tạo nội lực và nền tảng vững chắc cho sự phát triển của khu vực và cả nước. Đặc biệt, kinh tế duy trì tăng trưởng ở mức cao và xứng đáng là thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước, qua đó luôn khát vọng vươn lên tầm cao mới.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-noi-luon-sat-canh-het-long-vi-mien-nam-ruot-thit-195343.html