Ngày 2/3/2023, UBND thành phố Hà Nội gửi Bộ Tư pháp báo cáo số 62/BC-UBND về kết quả công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022.
Ảnh minh họa
Theo báo cáo, qua tập hợp và kiểm tra 157 văn bản của 9 huyện, Sở Tư pháp Hà Nội đã phát hiện, xử lý 7 văn bản cấp huyện ban hành không đúng thẩm quyền.
Toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật do các sở, ngành tham mưu thành phố ban hành còn hiệu lực thi hành đến nay đều được ban hành đúng thẩm quyền, phù hợp với pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố.
Đối với quận, huyện, để phục vụ công tác kiểm tra theo thẩm quyền, Sở Tư pháp đã tập hợp và kiểm tra 157 văn bản (18 nghị quyết, 139 quyết định) của 9 huyện. Qua kiểm tra, thành phố đã chỉ ra những thiếu sót, hạn chế để có hướng xử lý đối với văn bản có nội dung, hình thức chưa phù hợp với pháp luật và khắc phục những thiếu sót trong công tác ban hành văn bản, như 26 văn bản sai về thể thức, kỹ thuật trình bày; 1 văn bản về hiệu lực và 7 văn bản ban hành không đúng thẩm quyền (các văn bản này đều đã được bãi bỏ, xử lý và kiến nghị xử lý).
Thành phố tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do UBND thành phố ban hành hoặc trình HĐND ban hành liên quan đến quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tính đến ngày 22/3/2022, tổng số văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND thành phố còn hiệu lực thi hành gồm 443 văn bản; Trong đó có 116 nghị quyết, 327 quyết định, được chia ra thành 25 lĩnh vực.
Trên cơ sở kết quả rà soát toàn bộ văn bản của thành phố, tính đến hết 31/12/2022, UBND thành phố đã công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND thành phố Hà Nội ban hành đã hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2022 với 69 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó 55 văn bản (8 nghị quyết, 47 quyết định) hết hiệu lực toàn bộ và 14 văn bản (3 nghị quyết, 11 quyết định) hết hiệu lực một phần.
Tính từ ngày 1/1/2022 đến nay, thành phố đã tiến hành cập nhật 69 văn bản quy phạm pháp luật (20 nghị quyết, 49 quyết định) còn hiệu lực thi hành do HĐND, UBND thành phố ban hành, vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật để phục vụ cho công tác tra cứu và kiểm tra, rà soát của thành phố được thực hiện thuận lợi, đầy đủ, chính xác hơn.
Để nâng cao vai trò hơn nữa trong công tác kiểm tra, xử lý, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, UBND thành phố kiến nghị Bộ Tư pháp quan tâm đến các điều kiện bảo đảm thi hành của công tác kiểm tra, rà soát văn bản, về cơ chế thu hút chuyên gia tham gia vào công tác kiểm tra, rà soát văn bản; Đổi mới việc quản lý sử dụng kinh phí, cơ chế, chính sách về tiền lương, phụ cấp trách nhiệm nghề... cho cán bộ làm công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản ở cơ quan tư pháp các cấp và cơ quan chuyên môn.
Thành phố cũng đề nghị nghiên cứu đề xuất việc xây dựng các chức danh chuyên trách làm công tác kiểm tra văn bản nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác này.
Diệu Linh - TTTĐ