Hà Nội rà soát các nhóm trẻ cần tiêm vắc xin phòng Covid-19
Kinhte&Xahoi
Ngày 21-10, Sở Y tế Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu tại hội nghị.
Đánh giá công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong 9 tháng năm 2021 và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm nay, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, tính từ tháng 1-2021 đến ngày 18-10, Hà Nội đã ghi nhận 4.463 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 45 ca tử vong. Riêng đợt dịch thứ 4, tính từ ngày 24-7 đến nay, thành phố đã ghi nhận 4.137 ca; trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 1.606 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.531 ca.
Hiện, toàn thành phố đã triển khai 24 đợt tiêm vắc xin Covid-19 với hơn 1.300 điểm tiêm. Đến nay, đã thực hiện tiêm được 7.879.954 mũi tiêm, thậm chí có ngày tiêm trên 600.000 mũi; ghi nhận 167.206 trường hợp phản ứng thông thường, 182 trường hợp tai biến nặng.
Từ nay đến hết năm 2021, ngành Y tế thành phố tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 các đợt trả mũi 2 và tiêm mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó ưu tiên người trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai trên 13 tuần, người bệnh mạn tính. Ngoài ra, thành phố cũng triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho người ngoại tỉnh... và theo tình hình cung ứng vắc xin.
Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, trong các tháng cuối năm nay, thành phố tiến hành rà soát thống kê các nhóm trẻ từ 3-11 tuổi, 12-15 tuổi và 16-17 tuổi cần tiêm vắc xin Covid-19. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Sử dụng nền tảng tiêm chủng Covid-19 để quản lý đối tượng tiêm chủng Covid-19 bảo đảm chính xác và đầy đủ thông tin.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đánh giá cao sự nỗ lực của các y, bác sĩ, nhân viên y tế tại các đơn vị trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua.
Theo bà Trần Thị Nhị Hà, hiện dịch Covid-19 đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, dự báo tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp. Thời gian qua, trên địa bàn thành phố vẫn ghi nhận rải rác một số ca bệnh, ổ dịch tại cộng đồng không rõ nguồn lây. Nguyên nhân là do việc gỡ bỏ giãn cách, khôi phục các hoạt động xã hội, đặc biệt là nối lại giao thông với các tỉnh, thành phố, nhất là với một số tỉnh, thành phố phía Nam vẫn chưa kiểm soát được dịch; tỷ lệ tiêm mũi 2 vắc xin phòng Covid-19 tại Hà Nội và cả nước còn thấp...
"Trên thế giới đã ghi nhận ngày càng nhiều biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 có độc lực cao, khả năng lây lan nhanh. Do đó, các đơn vị cần tiếp tục chú trọng công tác tiêm chủng để tăng độ bao phủ vắc xin, đồng thời, tăng cường công tác xét nghiệm Covid-19 để sớm phát hiện ca bệnh, khống chế và đẩy lùi dịch bệnh một cách hiệu quả nhất. Cùng với công tác phòng, chống dịch Covid-19, từ nay đến cuối năm, các quận, huyện, thị xã cần tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác", bà Trần Thị Nhị Hà đề nghị.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến. |
Xuân Lộc - Hà Nội mới