Theo đó, mục tiêu mà kế hoạch đặt ra là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm từ thành phố tới xã, phường, thị trấn. Nâng cao kiến thức, thực hành đúng về an toàn thực phẩm của người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm và phát hiện, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Mặt khác, kiểm soát chặt chẽ, giám sát chất lượng các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường. Qua đó, kịp thời cảnh báo nguy cơ, truy xuất nguồn gốc thực phẩm không an toàn vào Hà Nội.
Tại kế hoạch này, UBND thành phố giao cho Sở Y tế Hà Nội là cơ quan đầu mối, thường trực Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm của thành phố.
“Ngoài thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành Y tế, Sở Y tế chịu trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã duy trì và phát triển các mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực: Dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể trường học hoặc khu công nghiệp…”, UBND thành phố lưu ý.
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố yêu cầu cơ quan này chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm thực phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn. Mặt khác, đẩy mạnh phát triển mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Tổ chức công tác giám sát diện rộng, đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn Hà Nội.
Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội cũng giao nhiệm vụ cho Sở Công Thương, Công an thành phố và Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất các tổ chức, cá nhân sản xuất, lưu thông, phân phối thực phẩm.
Riêng với Sở Công Thương, UBND thành phố yêu cầu cơ quan này cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tổ chức các chương trình, sự kiện nhằm xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm an toàn, có nhãn hiệu, thương hiệu, kết nối sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm bảo đảm an toàn. Đồng thời, ứng dụng công nghệ cao truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đặc sản vùng miền vào hệ thống phân phối của Hà Nội để phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.
Cũng tại kế hoạch này, UBND thành phố giao cho Sở Giáo dục và đào tạo phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong bảo đảm an toàn thực phẩm trường học. Kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện được cung ứng dịch vụ ăn uống cho các trường học.
Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại địa phương. Đồng thời, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm quận, huyện, thị xã.
“Các địa phương cần bố trí đủ nguồn lực, nhân lực và ngân sách cho các cơ quan chuyên môn để thực hiện việc quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Cùng với đó, bố trí kinh phí mua test xét nghiệm nhanh để thực hiện công tác kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm”, UBND thành phố Hà Nội nêu rõ.
Thu Trang - Hà Nội mới