Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trò chuyện với người dân trong vùng Dự án tại quận Hà Đông (Ảnh: Thanh Hải)
Kịp thời tuyên truyền, nắm bắt nguyện vọng Nhân dân
Tại Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 13/9/2022 của Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 với nhiệm vụ trọng tâm là tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với Dự án. Tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về cơ chế, chính sách trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư...
Thực hiện Chỉ thị này, thời gian qua, Ban Dân vận Thành ủy đã khẩn trương tổ chức các cuộc giao ban với các quận, huyện về thực hiện dân vận trong công tác vận động, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Đồng thời, tổ chức họp và ký kết giao ước thi đua với Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Ninh và Hưng Yên về thực hiện trao đổi kinh nghiệm trong công tác GPMB phục vụ Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Cùng đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP cũng đã tổ chức giao ban, ban hành Thông tri “Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, MTTQ các cấp TP Hà Nội tích cực tham gia thực hiện hiệu quả Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn TP Hà Nội”. Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội cũng đã tổ chức giao ban giữa các cơ quan báo chí với các quận, huyện có dự án đi qua để kịp thời nắm bắt thông tin và làm tốt hơn trong công tác tuyên truyền quá trình thực hiện dự án.
Hội nghị giao ban báo chí về công tác tuyên truyền GPMB Dự án đường Vành đai 4 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức (Ảnh: Trần Long)
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Đinh Thị Lan Duyên, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, trong đó, công tác GPMB phục vụ dự án là công việc khó khăn do khối lượng rất lớn, liên quan đến nhiều hộ dân và thường nảy sinh những vấn đề xã hội phức tạp. Thời gian qua, Ban Tuyên giáo Thành uỷ đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trong hệ thống tuyên giáo Thủ đô tập trung thông tin, tuyên truyền các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của trung ương, TP về dự án đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đồng thời, thường xuyên nắm tình hình triển khai dự án theo tiến độ được giao, nhất là tình hình tư tưởng của cán bộ, đáng viên, Nhân dân và diễn biến dư luận xã hội tại các địa phương có dự án đi qua.
Ngoài ra, Ban Tuyên giáo các quận, huyện ủy đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các ban, ngành liên quan của địa phương trong tổ chức hoạt động thông tin, tuyên truyền. Qua đó, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và tư tưởng của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân.
Ban Tuyên giáo đã phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, đơn vị liên quan tại địa phương đơn vị chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân với nhiều hình thức.
7 Ban Tuyên giáo quận/huyện ủy; 7 cơ quan báo chí của Hà Nội ký kết giao ước thi đua về thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (Ảnh: Trần Long)
Với việc triển khai sớm, bài bản, đúng hướng công tác tuyên truyền nên các công việc chuẩn bị cho Dự án đường Vành đai 4 tại Hà Nội đạt được một số kết quả đáng chú ý. Tính đến ngày 10/2/2023, trên địa bàn TP Hà Nội đã phê duyệt phương án với diện tích 236,26ha; diện tích đất đã bàn giao mặt bằng 213,02ha (đạt tỉ lệ 26,69%); chi trả bồi thường, hỗ trợ GPMB 1.779,39 tỷ đồng; kiểm đếm 8.958/11.687 ngôi mộ; phê duyệt phương án hỗ trợ di chuyển 6.678 ngôi; di chuyển và hoàn thành chi trả tiền đối với 5.218 ngôi (đạt tỉ lệ 44,65%)...
“Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, có thể khẳng định, công tác thông tin, tuyên truyền đã và đang được triển khai tích cực, linh hoạt, hiệu quả tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong các tầng lớp Nhân dân Thủ đô trong công tác GPMB thực hiện dự án” - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ đánh giá.
"Kiên trì đeo bám" để vận động, tuyên truyền
Trong số 7 đơn vị mà đường Vành đai 4 đi qua thì Hà Đông là quận duy nhất với diện tích phải thực hiện công tác GPMB là 66,971ha, qua 4 phường với tổng số hộ bị thu hồi đất là 2.100; tổng số mộ trong dự án phải di dời khoảng 2.255 ngôi mộ.
Khó khăn trong thực hiện GPMB tại quận Hà Đông là thời điểm di chuyển mộ trước Tết Nguyên Đán để kịp tiến độ. Đồng thời, một số hộ trên địa bàn phải tái định cư tại Thanh Oai, có nhiều băn khoăn về điều kiện sinh hoạt và hạ tầng.
Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hà Đông Nguyễn Văn Trường, xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ đi trước, nên từ rất sớm quận đã xây dựng và triển khai bài bản công tác tuyên truyền, chú trọng trên không gian mạng. Với những hộ phải tái định cư, quận đã đã thực hiện khảo sát, trên cơ sở đó đẩy mạnh công tác dân vận, tuyên truyền để tạo đồng thuận trong Nhân dân. Hiện quận Hà Đông đã hoàn thành các thủ tục để xây dựng nghĩa trang mới và vận động bà con ký cam kết sẽ di dời các phần mộ sau khi hoàn thành (khoảng tháng 5/2023).
Còn đối với huyện Đan Phượng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đan Phượng Lê Văn Thìn chia sẻ, để đẩy mạnh triển khai Dự án, huyện đã chủ động tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đặc biệt, Huyện ủy rất chú trọng đến công tác nắm bắt, định hướng tư tưởng dư luận Nhân dân trong suốt quá trình triển khai dự án. Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách địa bàn thường xuyên nắm tình hình tư tưởng dư luận Nhân dân.
Lãnh đạo huyện Mê Linh kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô chạy qua trên địa bàn huyện. (Ảnh: Công Thọ)
Đồng thời “kiên trì đeo bám” để tuyên truyền, vận động. Tăng cường tiếp xúc đối thoại trực tiếp với Nhân dân để lắng nghe ý kiến, kiến nghị, phản ánh, vướng mắc để đề ra các giải pháp giải quyết, xử lý theo thẩm quyền. Do đó, đã tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp Nhân dân về công tác GPMB. Trên địa bàn dự án đi qua với chiều dài toàn tuyến 6,3km. Tổng diện tích đất phải GPMB khoảng 74,8ha với 1.789 hộ gia đình. Đến nay, huyện đã được thu hồi 19,08/74,8ha với số tiền 218,1 tỷ đồng (đạt 25,5% diện tích GPMB).
Tại buổi khảo sát vị trí giao Đại lộ Thăng Long - đường Vành đai 4 (Km20+500 Đại lộ Thăng Long) thuộc địa phận xã Song Phương, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hoan nghênh việc phối hợp chặt chẽ và sáng tạo của 3 địa phương-nhất là 3 đồng chí bí thư tỉnh ủy/thành ủy làm trưởng ban chỉ đạo GPMB. Đây là khâu quyết định tiến độ các dự án giao thông. Việc xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ mở ra không gian phát triển mới, với các khu công nghiệp, khu đô thị, tránh ách tắc giao thông, khai thác quỹ đất.
|
Tại huyện Mê Linh, Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua huyện Mê Linh dài khoảng 11,2km, đi qua địa bàn 5 xã với tổng diện tích thu hồi đất khoảng 141,5ha, trong đó, đất nông nghiệp 120,3ha; đất ở 8,2ha... liên quan đến 2.700 hộ dân. Toàn tuyến có 370 mộ phần cần phải di chuyển, huyện đã thực hiện di chuyển đạt 100%.
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Anh Tuấn, ngay từ sớm huyện đã lường trước những thuận lợi và khó khăn trong thực hiện GPMB để triển khai tuyên truyền đồng bộ, quyết liệt.
"Việc nắm bắt tình hình tư tưởng Nhân dân không chỉ được Ban Tuyên giáo thực hiện tốt mà cả hệ thống chính trị, các khối đoàn thể triển khai quyết liệt nên nhờ đó đã giải quyết kịp thời vướng mắc. Ví dụ như khi huyện quyết định 3 khu tái định cư, nhưng khu Văn Khê có số đông người dân phản ứng, ngay sau đó lãnh đạo huyện đã đối thoại với người dân và tạo được sự đồng thuận” - ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Thịnh An - Trần Long - KTĐT