Hà Nội: THCS Tứ Hiệp bị phụ huynh phản ứng "lạm thu", tổng chi dự kiến 500 triệu đồng
Kinhte&Xahoi
Nhiều phụ huynh bức xúc, chia sẻ trên mạng xã hội các khoản thu không đúng quy định của trường THCS Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội), khi tổng chi dự kiến trong năm lên đến 500 triệu đồng.
Tình trạng lạm thu lại “nóng”
Đến hẹn lại lên, mỗi dịp đầu năm học, việc lạm thu tại các trường học là vấn đề nóng khiến phụ huynh lo lắng.
Mới đây, mạng xã hội lan truyền thông tin về các khoản thu hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh năm học 2023-2024 của trường THCS Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội). Các phụ huynh cho rằng, nhà trường thu nhiều khoản trái quy định, khi tổng dự kiến chi trong năm học lên đến hơn 500 triệu đồng.
Cụ thể, thưởng cho các lớp nộp kế hoạch nhỏ vượt chỉ tiêu (từ 600 nghìn đồng đến 1 triệu đồng); Tri ân các thầy, cô giáo ngày Tết Nguyên đán (từ 45 đến 50 triệu đồng); Kinh phí họp các trưởng ban các lớp, các trưởng Ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường sơ kết học kì 1, tổng kết năm học (12 đến 15 triệu đồng);…
Phụ huynh bức xúc về các khoản thu tại trường THCS Tứ Hiệp.
Về vụ việc trên, trả lời Pháp luật Plus, ông Phạm Văn Ngát - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì cho biết: "Phòng GDĐT đang yêu cầu tổ công tác xác minh kiểm tra và sẽ có báo cáo kết luận".
Trước đó, trên địa bàn Hà Nội cũng xảy ra trường hợp một lớp tại trường THPT Chu Văn An bị yêu cầu trả lại phụ huynh khoản thu quỹ phụ huynh kỳ 1 với mức 4,5 triệu đồng/người.
Cụ thể, báo Hà Nội mới thông tin, chiều 23/9, Ban Giám hiệu Trường THPT Chu Văn An đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 12 Văn trả lại toàn bộ khoản thu này cho từng phụ huynh học sinh, hoàn thành trước trước 12h ngày 24/9.
Trước đó, phụ huynh đã phản ánh tình trạng lạm thu quỹ cha mẹ học sinh lớp ở lớp 12 Văn, Trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ). Cụ thể mỗi phụ huynh học sinh phải đóng 4,5 triệu đồng/học kỳ tiền quỹ phụ huynh. Một số phụ huynh học sinh đã đóng khoản quỹ này.
Thu trên nguyên tắc tự nguyện
Với các khoản thu được quy định là chỉ được thu trên nguyên tắc tự nguyện nhưng khi Ban đại diện phụ huynh thực hiện thì có nơi lại cố tình áp đặt mức thu mà không căn cứ vào khả năng đóng góp của từng phụ huynh.
Thông tư 55/2011/TT-BGDDT quy định cụ thể tại điểm c, d khoản 2 điều 8; điểm a, b khoản 1 điều 10; điểm a, b khoản 2 điều 10; khoản 3 điều 10 và điểm a, b khoản 4 điều 10. Theo đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh quyên góp của người học hoặc gia đình người học phải dựa theo nguyên tắc tự nguyện. Trong buổi họp phụ huynh, các khoản thu tự nguyện phải được thông qua, nếu phụ huynh thống nhất, ủng hộ thì mới được tiến hành thu.
Khi thu, Ban đại diện cha mẹ học sinh thường nhờ nhà trường, giáo viên chủ nhiệm có thể thu hộ theo mức đóng góp mà đã được thông qua trong buổi họp phụ huynh trước đó.
Các khoản thu được quy định là chỉ được thu trên nguyên tắc tự nguyện. Hình ảnh minh họa.
Theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản sau:
Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện.
Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh; Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Theo Luật sư, nếu thu không đúng sự tự nguyện của phụ huynh hoặc ép phụ huynh nộp tiền nhằm chiếm đoạt, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 355 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Giữa một “ma trận” các khoản thu lên tới hàng chục đầu mục khiến phụ huynh “chóng mặt”. Trong đó, có nhiều khoản thu sai quy định đã khiến phụ huynh bức xúc. Dù Bộ GD&ĐT, các Sở và Phòng GD&ĐT đã ký, ban hành nhiều văn bản để chấn chỉnh tình trạng thu - chi đầu năm nhưng đâu vẫn vào đấy, lạm thu vẫn “nóng” và phụ huynh vẫn bức xúc, phản ánh. Có lẽ, thanh tra giáo dục cần vào cuộc, xử lý quyết liệt để dứt điểm tình trạng lạm thu, đừng để “con sâu làm rầu nồi canh”.
Hoa Tiên - Pháp luật Plus