Hà Nội trong lần đầu kỷ niệm sinh nhật Bác
Kinhte&Xahoi
"Chúng ta, dân tộc Việt Nam, chúng ta đi từ giai đoạn một nước nô lệ đến giai đoạn một nước tự do là nhờ có Hồ Chí Minh”.
Ngày 18-5-1946, Báo Cứu quốc, cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh đã đăng thông báo về ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngày 19 tháng 5 này, 56 năm trước đây đã ra đời một người: Hồ Chí Minh (…). Ngày 19-5-1890, ngày Ông trông thấy bầu trời Việt Nam là ngày rất quan hệ đến vận mệnh dân tộc Việt Nam. Chúng ta, dân tộc Việt Nam, chúng ta đi từ giai đoạn một nước nô lệ đến giai đoạn một nước tự do là nhờ có Hồ Chí Minh”.
Ngay chiều 18-5-1946, các khu bộ Việt Minh đã nhanh chóng hướng dẫn nhân dân trang hoàng cờ hoa rực rỡ. Gia đình nào cũng treo ảnh Bác ở nơi tôn nghiêm nhất. Sáng 19-5, tất cả các cơ quan, xí nghiệp, khu phố thuộc 17 khu nội thành và làng xã thuộc 5 khu ngoại thành đều tổ chức mít tinh mừng thọ Bác.
Tại Bắc Bộ phủ, nơi Bác thường xuyên đến làm việc, quang cảnh thật xúc động. Các em thiếu nhi đội mũ ca nô cài huy hiệu măng non trên ngực, theo nhịp trống ếch từ Ấu Trĩ Viên (nay là Cung Thiếu nhi Hà Nội) tiến vào Bắc Bộ phủ. Bác hiền từ, giản dị trong bộ quần áo ka ki thường ngày tươi cười chào đón các em. Như bầy chim non ríu rít, các em thi nhau gắn huy hiệu “Măng non” lên ngực áo Bác, kính tặng Người tập bài hát và Điều lệ Hội Nhi đồng cứu quốc.
Đồng chí Khuất Duy Tiến, Bí thư Thành bộ Việt Minh mang cây bách tán tới để Bác tặng các em và nói: “Bác có cây này tặng các cháu. Mai sau cái cây sẽ mọc ra một trăm cái tán. Các cháu về chăm nom cho cây lớn, cây tốt, thế là các cháu yêu Bác lắm đấy”. Lời Người nói thật giản dị nhưng mang ý nghĩa rất sâu sắc. Các em thiếu nhi sung sướng đồng thanh hát tặng Bác bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng” do nhạc sĩ Phong Nhã sáng tác. Bác chụp ảnh kỷ niệm trong niềm vui tràn ngập tình thương của người ông với các cháu.
Tiếp đó, đại biểu các ngành, các giới, các đoàn thể, tôn giáo, đại biểu Nam Bộ, Vệ quốc đoàn… đến chúc thọ Bác. Trong ngày kỷ niệm sinh nhật của mình, Bác vẫn không quên nhắc nhở cán bộ thực hiện khẩu hiệu “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” khi đến chúc thọ Người.
Trong khi đó, Thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu tổ chức tuần hành trên đường phố, thể hiện niềm tin vào vị lãnh tụ kính yêu. Người đáp lại bằng tình cảm tha thiết: “Tôi chưa xứng đáng với sự săn sóc của đồng bào. Vì tôi hãy còn là một thanh niên, tuổi 56 chưa đáng được đồng bào chúc thọ. Từ trước đến nay tôi đã là người của đồng bào, thì từ nay về sau tôi vẫn thuộc về đồng bào. Tôi quyết giữ lòng trung thành với Tổ quốc. Tôi xin hứa với đồng bào gắng sức làm việc, nhưng tôi hy vọng vào sự cộng tác chặt chẽ của đồng bào. Việc nước là lớn, không ai có thể làm một mình nổi. Tôi mong rằng ngày này năm sau, các đồng bào sẽ làm cho nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa cường thịnh hơn. Hôm nay đồng bào cho tôi nhiều hoa bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi".
Những lời chân tình mà sâu sắc của Bác thấm sâu vào tim óc đồng bào. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong đoàn đại biểu của Hội Văn hóa cứu quốc, Ủy viên Ủy ban Vận động đời sống mới lên chúc thọ Bác đã ghi trong nhật ký của mình ấn tượng buổi sáng kỳ diệu trong đời ông: "Buổi chúc thọ Hồ Chủ tịch bỗng biến thành cuộc thảo luận ráo riết và thân mật về đời sống mới. Người lấy các ví dụ cụ thể khi thảo luận nội dung “Cần, kiệm, liêm, chính” và khuyên mọi người đi vận động nhân dân thực hiện đời sống mới thì “phải xem đồng bào bây giờ cần gì” chứ không phải nêu khái niệm to tát như “Dân tộc, khoa học, đại chúng”, người dân lao động khó hiểu rõ. Và Bác nêu rõ cách thức làm: "Muốn cho cuộc vận động đời sống mới có kết quả thì mình phải làm gương"".
Lễ kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được tổ chức trọng thể tại Thủ đô của đất nước độc lập không chỉ biểu thị lòng biết ơn vô hạn và niềm tin của nhân dân đối với vị lãnh tụ của dân tộc, mà còn là dịp biểu thị tinh thần đoàn kết, quyết tâm giữ vững độc lập, tự do của Tổ quốc trước nguy nan, thù trong giặc ngoài đang âm mưu phá hoại và lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh.
Sau 9 năm kháng chiến gian khổ, Hà Nội được giải phóng. Từ ngày 19-5-1955 đến 19-5-1969, Đảng bộ và quân dân Thủ đô Hà Nội có vinh dự được thay mặt nhân dân cả nước chúc thọ Người và được sống trong sự quan tâm chăm sóc, tình yêu thương vô hạn của Người.
Ngày 19-5-1969, sinh nhật lần thứ 79 của Bác đúng vào chủ nhật. Bác đã yếu nhiều nhưng 9h sáng, Người vẫn ngồi vào bàn sửa bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Sau đó, nể lời đề nghị tha thiết của đồng chí Lê Duẩn, Người tiếp các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ đến chúc mừng sinh nhật với tinh thần không bày vẽ tốn kém, nên chỉ cần 5 bông hồng đỏ, đĩa bánh kẹo, trà nước do thư ký Vũ Kỳ đưa từ nhà nhỏ Bác vẫn nằm ra phòng khách, trong tình thương yêu đầm ấm. Giáo sư Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, rất xúc động kể lại: "Khi đó Người nói: “Bác mời các chú uống nước, ăn bánh kẹo và chúc thọ Bác. Nhớ lấy phần về cho các thím và các cháu…"".
Muôn vàn tình thương yêu Bác dành cho toàn Đảng, toàn dân và tấm gương “Cần, kiệm, liêm, chính” của Người đã và vẫn là niềm tin, là ngọn lửa ấm, là ánh sáng soi rọi cho Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội trên con đường cách mạng gian nan, nhưng nhất định sẽ đi đến đích “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Phạm Kim Thanh