Chiều ngày 6/9, nguồn tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 1 đến ngày 5/9 đã làm 5 người chết, nhiều người bị thương.
Điều đáng nói là số người thiệt mạng vì mưa lũ hầu hết là do bất cẩn, hoặc bất chấp mọi cảnh báo của cơ quan chức năng, liều mình đánh bắt cá giữa dòng nước lũ.
Ngoài gây thiệt hại về người, mưa lũ đã làm 64 xã, phường, thị trấn với 5.567 hộ bị ngập lụt, có nơi ngập sâu trên 3m.
Cùng với đó, hàng ngàn ha diện tích lúa hè thu, rau màu, cây ăn quả và nuôi trồng thủy hải bị ngập và nhiều cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế... bị thiệt hại nặng nề.
Một nạn nhân tử vong trong đợt mưa lũ vừa qua tại Hà Tĩnh.
Tính đến chiều nay, một số địa phương tại huyện Hương Khê, đặc biệt là tại rốn lũ Phương Mỹ, vẫn còn ngập, việc đi lại còn gặp khó khăn. Một số địa phương học sinh chưa thể đến trường học tập...
Để khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra, nhằm sớm ổn định đời sống, sản xuất cho người dân, sáng ngày 6/9, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND, yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát để cứu trợ, hỗ trợ nhân dân vùng lũ đảm bảo ổn định cuộc sống sinh hoạt sau lũ; tuyệt đối không để một người dân nào thiếu lương thực, nước uống.
Tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, xử lý nước sạch sinh hoạt; cấp thuốc điều trị, khám chữa bệnh và kiểm soát không để dịch bệnh bùng phát, lây lan sau lũ xảy ra.
Mưa lũ nhấn chìm 5.567 ngôi nhà tại Hà Tĩnh.
Các cơ quan, đơn vị phải tập trung chỉ đạo, túc trực để vận hành tiêu thoát lũ tại các trục tiêu, nhất là các trục tiêu lớn như: cống Đò Điệm, Trung Lương, Đức Xá, Đò Bang, Hoàng Hà, Tây Yên, VoọcSim, Cầu Sú,... để tiêu thoát nhanh cho các vùng đang bị ngập sâu và vùng có lúa hè thu, hoa màu chưa thu hoạch.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, huy động lực lượng, phương tiện, nhân lực giúp dân thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa hè thu còn lại và các loại cây ăn quả, nông sản khác.
Hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà bị hỏng, các trường học, trạm xá, công sở để từng bước trở lại ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho học sinh đến trường sớm nhất.
Tổ chức đánh giá thiệt hại về tài sản, kết cấu hạ tầng và sản xuất bị thiệt hại do mưa, lũ. Tập trung khắc phục bước đầu các công trình phục vụ sản xuất, như kênh mương, các công trình thủy lợi để lấy nước tưới; rà soát, bổ cứu Đề án sản xuất vụ Đông phù hợp với từng địa phương, đặc biệt phải chuẩn bị đủ các loại giống, vật tư, phân bón để sản xuất…