Hai bộ cùng muốn 'quản' biển báo giao thông

16/08/2020 08:29

Kinhte&Xahoi Cả Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an đều cho rằng biển báo giao thông - hệ thống báo hiệu giao thông thuộc lĩnh vực mình quản lý.

Bộ Giao thông Vận Tải vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi. Cùng lúc, dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn (TTAT) GTĐB cũng được Bộ Công an soạn trình Chính phủ. Điều đáng nói là cả hai dự thảo luật đều muốn được quy định nội dung hệ thống báo hiệu đường bộ (BHĐB).

Theo dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn (TTAT) GTĐB sẽ có hai phương án xác định cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hệ thống BHĐB.

Cụ thể, phương án 1, Bộ Công an sẽ đảm nhận nhiệm vụ ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hệ thống BHĐB, quy định này sẽ nằm trong Luật Bảo đảm TTATGTĐB. Phương án 2 giao Bộ GTVT ban hành quy định này và được quy định trong Luật GTĐB.

Tuy nhiên, Bô Công an nghiêng về phương án 1. “Bởi hệ thống thông tin tín hiệu an toàn là sự cụ thể hóa các quy tắc giao thông, liên quan chặt chẽ đến TTATGT” - Bộ Công an lý giải.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể lại cho rằng hệ thống BHĐB bao gồm năm nhóm. Trong đó, ngoài hiệu lệnh của người điều khiển giao thông thì các BHĐB còn lại bao gồm: Tín hiệu đèn giao thông, biển BHĐB, đinh phản quang, tiêu phản quang, dải phân cách... Tất cả hạng mục trên đều thuộc công trình đường bộ và tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB.

Không chỉ vậy ông Thể cho biết hiện nay các chỉ tiêu kỹ thuật của BHĐB ngoài việc được cụ thể hóa trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về BHĐB do Bộ GTVT ban hành còn phải đồng bộ, thống nhất với các chỉ tiêu kỹ thuật khác của công trình đường bộ, đồng thời được quy định trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành công trình GTĐB.

Ngoài ra, việc sản xuất, lắp đặt BHĐB cũng phải phù hợp và tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về BHĐB và các tiêu chuẩn thiết kế đường bộ.

“Do đó, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện thì nội dung trên cần được quy định trong Luật GTĐB…” -Bộ trưởng Bộ GTVT chho biết. 

Phản hồi quan điểm trên, Bộ Công an cho rằng đơn vị sẽ không thực hiện việc sản xuất và lắp đặt hệ thống biển BHĐB, mà đảm nhiệm vai trò quy định nội dung, ý nghĩa của hệ thống BHĐB, nhằm thông báo, hướng dẫn cho người tham gia giao thông….

Liên quan đến vấn đề này, qua công tác thẩm tra, Bộ Tư pháp cho rằng hệ thống BHĐB ngoài hiệu lệnh của người điều khiển giao thông còn nhiều báo hiệu khác. Theo đó, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an cần xác định rõ tại dự án luật này chỉ điều chỉnh các quy định về hệ thống BHĐB dưới góc độ là các biện pháp tổ chức giao thông và bảo đảm TTATGT.

Còn các quy định gắn với việc sản xuất, tổ chức đặt, cắm các biển BHĐB với tính chất là các hạng mục của công trình đường bộ và thuộc tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB thì không quy định tại dự thảo Luật Bảo đảm TTATGTĐB.

Ngoài ra, việc sản xuất, lắp đặt BHĐB cũng phải phù hợp và tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về BHĐB và các tiêu chuẩn thiết kế đường.

"Đề nghị cân nhắc quy định giao Bộ Công an chịu trách nhiệm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hệ thống BHĐB tại dự thảo luật” - Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Để tìm phương án tối ưu, Văn phòng Chính phủ đã tiến hành ý kiến các thành viên Chính phủ. Đến ngày 11-8, có 19/26 thành viên Chính phủ cho ý kiến về vấn đề này.

Theo đó, có 14 thành viên Chính phủ đồng ý Luật GTĐB sẽ quy định hệ thống BHĐB và do Bộ GTVT quản lý. 5 thành viên đồng ý phương án quy định tại Luật Bảo đảm TTATGTĐB và Luật GTĐB chỉ quy định việc sản xuất, tổ chức đặt, cắm các biển báo hiệu.

Theo Văn phòng Chính phủ, trong hệ thống báo hiệu GTĐB, chỉ có “hiệu lệnh của người điều khiển giao thông” thuộc nội dung tổ chức chỉ huy, điều khiển. Các loại báo hiệu còn lại gắn liền với các hạng mục của công trình đường bộ, thuộc hệ thống tài sản kết cấu hạ tầng GTĐB, được quản lý thông qua các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ GTVT ban hành.

Vì vậy, Văn phòng Chính phủ đề nghị quy định theo hướng Luật GTĐB quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn và quản lý các loại BHĐB gắn với thiết kế, đầu tư, xây dựng và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng GTĐB (hệ thống báo hiệu giao thông tĩnh).

Văn phòng Chính phủ đề nghị Nội dung “hiệu lệnh của người điều khiển giao thông” và việc chỉ huy, điều khiển hệ thống đèn tín hiệu đường bộ (hệ thống báo hiệu giao thông động) quy định tại Luật Bảo đảm TTATGTĐB.

 Phóng viên - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thành phố… bình tĩnh sống

Đà Nẵng đã bước sang đợt gia hạn tiếp của việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch Covid-19. Trải qua hơn 20 ngày được gọi là “tâm dịch”, người Đà Nẵng gần như không còn chờ đếm những con số về ca mắc mới, những khu vực dân cư vừa bị phong tỏa…

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/hai-bo-cung-muon-quan-bien-bao-giao-thong-d132281.html