Người dân với cán bộ, chiến sĩ luyện tập diễu binh, diễu hành chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Tuấn Anh
Sống trong không khí ngày hội lớn
Những ngày này, khắp các đường phố của thành phố Điện Biên Phủ hết sức nhộn nhịp, rực rỡ với cờ hoa và băng rôn, khẩu hiệu. Không chỉ người dân Điện Biên mà đồng bào ở nhiều vùng miền của Tổ quốc và bạn bè quốc tế đã đến với mảnh đất lịch sử này đều đang hòa chung trong niềm hân hoan, háo hức đón chờ ngày lễ lớn. Hầu hết những người dân và du khách đều đổ ra đường từ tờ mờ sáng 5-5, ai cũng cố gắng có một chỗ ngồi để được tận mắt xem chương trình tổng duyệt Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với niềm tự hào sâu sắc.
Chương trình gồm các nội dung chính thức, như: Nghi lễ chào cờ; biểu diễn trống hội; trình diễn khối nghệ thuật; công bố quyết định đón nhận huân chương, khen thưởng và lễ diễu binh, diễu hành với sự tham gia của hơn 12.000 người. Trong đó, lực lượng của Bộ Quốc phòng tham gia có: Pháo lễ, lực lượng không quân bay chào mừng. Lực lượng đứng trên sân gồm tiêu binh lễ đài và 5 khối đứng. Lực lượng diễu binh, diễu hành gồm khối nghi trượng, 16 khối diễu binh và khối dân công hỏa tuyến, tái hiện hình ảnh hùng dũng, hiên ngang của đoàn quân năm xưa.
Có mặt tại mảnh đất lịch sử những ngày này, ông Trần Ngọc Anh, 64 tuổi, ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cho biết, bản thân và gia đình đã lên kế hoạch đi Điện Biên vào dịp lễ kỷ niệm từ đầu năm nay. Ba hôm trước, ông đến Điện Biên và cho đến nay ông khẳng định chuyến đi thật sự xứng đáng hơn cả những gì ông mong đợi.
“Ở đây, có không khí của ngày hội, ngày Tết và còn hơn thế nữa. Tôi có cảm giác như được sống trong thời khắc của chiến thắng. Tất cả mọi người đến đây như thể người một nhà, ra ngoài đường, vào quán ăn dù quen hay xa lạ đều hồ hởi chào đón, tay bắt mặt mừng. Thật sự là cảm giác đặc biệt. Có lẽ đây là tình cảm dân tộc, tình yêu Tổ quốc, ý nghĩa của hai chữ đồng bào”, ông Trần Ngọc Anh chia sẻ.
Lễ tổng duyệt không chỉ tạo niềm hứng khởi, hạnh phúc chờ đón trong nhân dân, mà còn đáp ứng các yêu cầu đề ra. Mặc dù đánh giá cao kết quả tổng duyệt, song đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước - tiếp tục đề nghị các khối, cơ quan, đơn vị liên quan cần hiệp đồng phối hợp trong quá trình thực hiện, bảo đảm đại lễ kỷ niệm diễn ra an toàn, thành công; nâng cao hơn nữa công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối, đồng thời phải tổ chức hài hòa để nhân dân và bạn bè quốc tế hợp tác, hỗ trợ, chia sẻ và cùng đón chờ buổi lễ thành công rực rỡ.
Trong khi đó, từ 6h sáng 6-5, Trung tâm Báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã mở cửa. Nhiều nhà báo trong nước và quốc tế đã có mặt làm việc. Những thông tin, hình ảnh của đại lễ kỷ niệm từ đây sẽ lan tỏa đi khắp cả nước và trên thế giới, tô thắm thêm niềm tự hào tự con tim về non sông gấm vóc Việt Nam, về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, về vị Tổng Tư lệnh kỳ tài - Đại tướng Võ Nguyên Giáp; về những chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến; về đồng bào Tây Bắc... đã làm nên chiến thắng lừng lẫy, chấn động địa cầu - Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ở khung cảnh khác, những dòng người vẫn không ngớt đổ về quần tụ nơi những di tích chiến trường xưa và cả những nghĩa trang nơi hàng ngàn người con ưu tú đã anh dũng hy sinh để cho đất nước hôm nay hòa bình, độc lập, ấm no, hạnh phúc. Cùng với niềm vui hân hoan chờ đón ngày kỷ niệm, có thể cảm nhận rõ, là ngập tràn những ấm áp, yêu thương, nghĩa tình.
Điện Biên trong trái tim Hà Nội
Phố núi Điện Biên Phủ chiều 6-5, nắng vàng rót như mật xuống cánh đồng Mường Thanh. Đã 70 năm trôi qua, Điện Biên Phủ xưa kia đã đổi thay từng ngày. Đời sống người dân ngày càng khấm khá. Chào đón lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ có không khí của hội mừng, mà còn hiện hữu qua sự quan tâm chăm lo đời sống cho nhân dân, là những món quà thiết thực đến với các gia đình người có công và cả những công trình kỷ niệm vô cùng ý nghĩa.
Sân bay Mường Thanh năm nào giờ đã thành Cảng hàng không Điện Biên - công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, có công suất khai thác 500 nghìn khách/năm với các chuyến bay thương mại Điện Biên - Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại, bằng máy bay A320, A321 hoặc tương đương. Hạ tầng giao thông đường bộ, đô thị, nông thôn mới… đang dần hoàn thiện.
Nhiều công trình, trường học, mô hình sinh kế, vật dụng… được các tổ chức, cá nhân tại Hà Nội đóng góp, hỗ trợ nhiều năm qua, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, vươn lên phát triển của tỉnh Điện Biên. Điển hình là 2 công trình mang tính biểu tượng: Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ và Khách sạn Hà Nội - Điện Biên Phủ. Trong đó, Dự án sửa chữa, nâng cấp Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ được khởi công xây dựng ngày 16-8-2023 với tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng. Tại công trình này, Hà Nội hỗ trợ 65 tỷ đồng và được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao cho tỉnh trong chuyến công tác tại Điện Biên năm 2022. Ngày 25-4 vừa qua, công trình đã được khánh thành trong niềm vui hân hoan của thầy trò nhà trường và người dân địa phương.
Tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia A1, hòa trong dòng người vào thắp hương tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, những ngày này có nhiều đoàn khách đến từ Hà Nội, trong đó có đoàn cựu chiến binh, thương binh Câu lạc bộ Tiếng hát thương binh Thủ đô. Cựu chiến binh, thương binh Phạm Hữu Đề, 71 tuổi, ở phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm - thành viên Câu lạc bộ chia sẻ:
“Tôi có người bác là chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Tấn. Tiếp bước ông, tôi tham gia quân ngũ, đóng góp máu xương cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trở về sau chiến tranh, còn khỏe mạnh khi đã nghỉ hưu, cùng với một số di tích chiến trường xưa thời chống Mỹ, Điện Biên là địa chỉ tôi thường xuyên đến. Đây là lần thứ hai trong năm 2024 tôi đến Điện Biên. Lần thứ nhất, trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tôi cùng một số đồng đội, nhà tài trợ lên tặng quà các học sinh khó khăn, hộ nghèo tại một số xã thuộc huyện Điện Biên. Lần này là đi cùng câu lạc bộ”. Nói rồi cựu chiến binh Phạm Hữu Đề chỉ sang thành viên đoàn giới thiệu: Đây là ca sĩ Thanh Thanh (tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thanh, địa chỉ phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, là em ruột nghệ sĩ Minh Vượng). Chị ấy mong ước đến Điện Biên lâu lắm rồi, nay mới có dịp, lại vào đúng thời điểm rất ý nghĩa, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ nên đã chuẩn bị rất kỹ các tiết mục văn nghệ dành tặng Điện Biên.
Cất tiếng hát “Tiến bước dưới quân kỳ” dành tặng các anh hùng liệt sĩ, nhân dân Điện Biên và du khách dưới tán hoa đại trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1, bà Nguyễn Thị Thanh cùng các thành viên Câu lạc bộ Tiếng hát thương binh Thủ đô như muốn dốc hết tâm huyết, tình cảm, sự tôn kính, lòng tri ân vào lời bài hát. Dòng người lặng đi, trang nghiêm nghe các cựu chiến binh, thương binh cất lên khúc ca trầm hùng: “… Gương bao anh hùng bừng cháy trong tim/Quên thân mình một niềm tin trong phong ba/Tô thắm tươi thêm màu cờ/Giữ vững hòa bình, dựng xây tương lai…”.
Đêm 6-5, Điện Biên không ngủ, tất cả thao thức chờ mong đến giờ khắc Đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt đầu vào sáng hôm nay (7-5), để cùng hòa nhịp bài ca chiến thắng và niềm tự hào về Tổ quốc Việt Nam anh hùng.
Phạm Dương - Hà Nội mới