Nóng với "mặt hàng thiết yếu"
Giáo sư Đặng Hùng Võ là một chuyên gia đang chuẩn bị tài liệu cho cuộc họp quan trọng vào ngày mai thì máy tính của ông giở chứng. Ông biết Hà Nội đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, khuyến cáo ai ở nhà nấy, nhưng vì tình thế của ông cũng quá cấp bách, ông đánh liều đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, khai báo y tế, lén ra phố Lê Thanh Nghị gần nhà xem có hàng máy tính nào mở không.
Cả khu phố, mọi cửa hàng đều lặng ngắt như tờ. Giáo sư Đặng Hùng Võ gọi điện cầu cứu mấy cửa hàng quen để cầu viện khẩn, đều nhận được câu trả lời rằng, thiết bị tin học không thuộc nhóm hàng thiết yếu nên không thể giúp.
Lúng túng về “hàng thiết yếu”: Ảnh minh hoạ.
Đây không phải là câu chuyện đầu tiên và duy nhất về “hàng thiết yếu” cần phải trả lời. Việc một Phó Chủ tịch UBND một phường ở Nha Trang cho rằng bánh mì không phải là “hàng thiết yếu”, sau đó trở thành một sự kiện nóng trên mạng xã hội, đến mức Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang sau đó đã phải có Thư xin lỗi có lẽ là sự việc đầu tiên được dư luận quan tâm.
Trước vụ việc 1 nam thanh niên bị tổ kiểm tra liên ngành phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa thu giữ giấy tờ, phương tiện vì đi mua bánh mì, nước uống nên rất nhiều độc giả thắc mắc không biết hàng hóa thiết yếu là gì? Băng vệ sinh phụ nữ, bỉm trẻ em...có phải là hàng thiết yếu?
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra căng thẳng nên nhiều địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, trong đó có TP.HCM, Hà Nội và 18 tỉnh, thành phố phía Nam.
Theo đó, các địa phương tuân thủ theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng về thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng.
Các địa phương áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, thậm chí yếu cầu ở mức cao hơn, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết, bao gồm: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,…; Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và các cơ sở khác.
Thực hiện nhiệm vụ chống dịch COVID-19, nhiều địa phương đã rất sáng tạo, linh hoạt; tuy nhiên một số địa phương có biểu hiện lúng túng.
Cần có giải pháp để tháo gỡ
Điều 4 Luật giá 2012 có quy định: Điều 4 Luật Giá năm 2012 có giải thích cụm từ “hàng hoá, dịch vụ thiết yếu” là những hàng hoá, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh. Quy định này được sử dụng để cơ quan Nhà nước điều tiết, bình ổn giá.
Có thể thấy việc quy định hàng hóa thiết yếu hiện rất chung chung và theo quy định trên thì danh mục các mặt hàng thiết yếu cực kỳ đa dạng.
Hàng hóa thiết yếu có thể hiểu là hàng hóa quan trọng và cần thiết, đặc biệt là không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của con người. Theo đó, băng vệ sinh phụ nữ, bỉm, sữa cho trẻ em... phải là hàng hóa thiết yếu.
Đáng tiếc, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định chi tiết về Danh mục hàng hóa dịch vụ thiết yếu theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 03/4/2020 Về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng, chống dịch COVID-19 có nêu ra một số hàng hoá, dịch vụ thiết yếu.
Dựa trên hướng dẫn này, từng địa phương dựa theo tình hình kinh tế xã hội, đặc thù sẽ ra danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chi tiết được phép kinh doanh, sản xuất… Theo đó, có thể thấy hàng hóa thiết yếu theo Chỉ thị 16/CT-TTg thường bao gồm một số hàng hóa sau:
- Nhóm thực phẩm tươi sống, gồm thịt (các sản phẩm từ thịt), thủy sản (các sản phẩm từ thủy sản), rau, củ, quả (các sản phẩm từ rau, củ, quả), trái cây, trứng (các sản phẩm từ trứng)…
- Nhóm hàng công nghệ phẩm: bánh kẹo, muối, bột nêm, gia vị, nước mắm, đường, dầu thực vật. Sữa các loại, mì gói. Nước uống, nước ngọt đóng chai, lon, thùng…
Đại biểu Quốc hội lo ngại tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu: Ảnh minh họa
- Nhóm lương thực: gạo, vừng, đậu, ngô, khoai, sắn; bột, tinh bột (các sản phẩm từ bột, tinh bột)…
- Các nhu yếu phẩm cần thiết khác, như thuốc chữa bệnh, thiết bị y tế, khẩu trang, nước kháng khuẩn, giấy vệ sinh, sản phẩm dùng rửa tay, tắm giặt, gội… Nguyên, nhiên vật liệu như xăng, dầu, gas, khí đốt…
Ngoài ra, danh mục này có thể linh hoạt tuỳ vào tình hình diễn biến dịch bệnh, đặc điểm kinh tế xã hội của từng địa phương.
Mới đây, tại buổi làm việc trực tuyến giữa Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) với 11 hiệp hội các ngành hàng công nghiệp, đại diện các hiệp hội ngành hàng cho biết, ngoài khó khăn do bị hạn chế đi lại, hạn chế lưu thông của các địa phương khiến đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), DN còn gặp khó khăn cụ thể do sự thiếu nhất quán của các địa phương mang lại.
Đơn cử như đồ uống không được xếp vào nhóm hàng hoá thiết yếu nên không được lưu chuyển đến đại lý bán hàng.
Trong khi đó, đồ uống thường có thời hạn sử dụng ngắn, khoảng 2-3 tháng, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, hàng hoá không được lưu thông sẽ hết hạn sử dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Tương tự, mặt hàng sữa được xếp vào nhóm hàng hoá thiết yếu ở tỉnh này nhưng không thuộc nhóm hàng hoá thiết yếu ở tỉnh khác nên các doanh nghiệp sữa cũng không thể giao hàng đến đại lý.
Theo đại diện của Cục Công nghiệp, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương.
Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định các loại hàng hoá, dịch vụ thiết yếu trong thời gian thực hiện giãn cách, thực hiện Chỉ thị 16.
Hiện chỉ có Công văn số 2601/2020 của Văn phòng Chính phủ về thực hiện Chỉ thị 16, nêu một số hàng hoá, dịch vụ thiết yếu. Dựa trên hướng dẫn này, từng địa phương theo tình hình kinh tế xã hội, đặc thù sẽ ra danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chi tiết được phép kinh doanh, sản xuất...
Từ thực tiễn nêu trên, các hiệp hội ngành hàng đã kiến nghị các địa phương nên trao đổi với các hiệp hội, doanh trên địa bàn và thống nhất các quy định giữa các địa phương nhằm tránh tình trạng ách tắc lưu thông hàng hoá, gián đoạn chuỗi sản xuất./.
Theo thông tin mới nhất, chiều tối 27/7/2021, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương đã gửi công văn tới Sở Công Thương các tỉnh, thành trên cả nước thông tin cụ thể về danh mục hàng hóa thiết yếu.
Cụ thể, trong Công văn số 4481/BCT-TTTN gửi đến Sở Công Thương các tỉnh, thành trên cả nước, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các địa phương rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh, cho phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 đối với một số nhóm mặt hàng thiết yếu như sau:
Nhóm thực phẩm (bao gồm các mặt hàng theo danh mục phụ lục II, phục lục III và mục 3, 4, 5, 6, 7, 8 phụ lục IV ban hành kèm nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm, cụ thể tại phụ lục đính kèm.
Nhóm hàng hóa nguyên liệu phục vụ (bao gồm các mặt hàng như sắt, thép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi...)
Nhóm nhiên liệu, năng lượng (như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, than...).
Và các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương.
Văn bản số 4481/BCT-TTTN là nhằm gỡ khó khăn, vướng mắc một cách tình thế cho việc lưu chuyển hàng hóa, vì bất cứ lúc nào lại có thể phát sinh thêm các mặt hàng cần tháo gỡ tương tự như mặt hàng sữa, nguyên liệu sản xuất...
Ngoài ra, nhằm giải quyết nhất quán vấn đề này, chiều ngày 27/7/2021, Bộ Công Thương đã có Công văn số 4482 gửi Thủ tướng đề xuất Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa "cấm lưu thông" thay vì liệt kê danh mục "hàng hóa thiết yếu" được phép lưu thông nhằm hạn chế cách hiểu mỗi nơi mỗi kiểu, đang gây nhiều khó khăn.
|
Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus