Cảnh tập thể dục giữa giờ tại Hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp về đảm bảo an ninh trật tự giữa Bộ Y tế và Bộ Công an.
Chợt nhớ lại, ngày 27/2 vừa qua, nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến mời các đại biểu trong Ngành dự họp tập thể dục vài phút trong giờ nghỉ giải lao. Thế mà lắm ý kiến, thậm chí cư dân mạng “ném đá” Bộ trưởng không “mỏi tay”.
Chợt nhớ, những năm sau đổi mới, Hãng xe SYM là nhà đầu tư nước ngoài có mặt sớm ở thị trường Việt Nam. Khi đó, Văn phòng Hãng này thuê một địa chỉ trên phố Cát Linh. Cư dân Hà Nội thấy “lạ lùng” khi đầu giờ và giữa giờ nhân viên của Hãng tập thể dục trên vỉa hè. Ánh mắt người qua đường nhìn họ như người “trên trời” rơi xuống.
Kể lại câu chuyện này để thấy, “cái mới”/dẫu tập thể dục đâu phải là mới, tuy nhiên “hành trình” của một thói quen mới đã khó, “hành trình” của cái mới càng khó khăn.
Người Việt dường như đang mải mê “kiếm tiền” mà quên việc chăm sóc sức khỏe từ khi còn trẻ, chỉ chăm khi có bệnh, phải đi viện. Trong khi đến hơn 70% các loại tử vong là do các bệnh không lây nhiễm mãn tính như tim mạch, ung thư, tiểu đường, phổi tắc nghẽn và các bệnh khác... liên quan đến lối sống, trong đó có thói quen vận động.
Lưu ý là, cũng nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, 27/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động, kêu gọi toàn dân thực hiện Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Người đứng đầu Chính phủ kêu gọi mỗi người dân hãy bắt đầu ngay từ việc duy trì các hành vi có lợi cho lối sống, sức khoẻ, tăng cường vận động. Về phía ngành Y tế, vừa qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký chỉ thị yêu cầu toàn bộ các cán bộ, nhân viên, các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành Y nghiêm túc thực hiện tập thể dục trong thời gian giải lao ở ngay tại cơ quan giữa các buổi họp và giao ban mỗi ngày.
Bộ trưởng Tiến kêu gọi các đơn vị trong ngành Y vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hưởng ứng tích cực việc thực hiện vận động thể lực dưới hình thức đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày hoặc tập thể dục thể thao tối thiểu 30 phút mỗi ngày để ngừa các bệnh như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính, béo phì...
Chưa nói đến những cái mới, đổi mới, sáng tạo rất cần cho đất nước, xây dựng lối sống văn hóa đã là “Cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”, đó là “cuộc chiến đấu khổng lồ” như cách gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi viết Di chúc để lại cho đời sau.
Cái mới phải được nâng niu, lan tỏa!
Theo Pháp luật Plus