Điều đáng phải học tập ở người đàn ông đó không chỉ là hành vi dũng cảm mà còn là thái độ của anh. Khi được coi là “người hùng” của cư dân mạng, anh cho biết anh là thợ sửa xe, đi lại trên con đường này nhiều lần và đã không ít lần cứu giúp những trường hợp xe máy bị mất phanh như vậy. Anh coi đó là việc bình thường, cần phải làm. Lần này “không may” hành động của anh lọt vào ống kính camera và được mọi người biết đến.
Anh Đinh Văn Chiến dũng cảm kéo xe máy bị mất phanh trên đường đèo Tam Đảo.
Một bà cụ ăn xin từ Đồng Tháp đi lạc đến TP Hồ Chí Minh, bị một người xe ôm lừa cướp hết 600 nghìn đồng cụ vừa xin được rồi bỏ mặc cụ tại cây xăng Bến Lức.
Một phụ nữ tiểu thương thấy và hỏi han, biết được tình cảnh của cụ, đưa cụ về nhà ăn nghỉ và đưa chuyện này lên mạng xã hội. Ngay lập tức, bà cụ nhận được sự giúp đỡ của nhiều người để có tiền về nhà. Đáng nói là những người giúp đỡ cụ đa phần là những công nhân nghèo với số tiền mỗi người chỉ là 10 ngàn, 20 ngàn đồng.
Thêm nữa, một người khác biết chuyện qua mạng xã hội đã liên hệ để lái xe chở cụ gần 200 cây số về nhà.
Mạng xã hội đã có tác dụng trong việc cứu giúp người và tạo hiệu ứng tích cực để lòng tốt thể hiện và lan tỏa. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp lợi dụng mạng xã hội để đặt điều, bóp méo sự thật và công kích lẫn nhau.
Mới đây, cư dân mạng đã phẫn nộ khi một phụ nữ đưa lên một clip cùng lời nói minh họa một tài xế có những hành vi khiếm nhã, lời nói thô tục sau khi đâm vào hông xe ô tô của người phụ nữ đó rồi bỏ đi.
Trước sự chê bai, dè bỉu của cư dân mạng, người tài xế trên buộc phải lên tiếng. Ảnh trích xuất camera hành trình cho thấy rõ chiếc ô tô của người phụ nữ kia đã rẽ đột ngột trên làn đường cấm rẽ khiến xe của anh đâm vào hông. Anh dừng xe xuống xem xét tình hình với thái độ bình tĩnh với những người trên chiếc xe phạm luật kia. Ngay lập tức, người phụ nữ kia lại hứng chỉ trích dữ dội và phải xóa clip đã đăng tải.
Diễn biến của sự việc nói trên cho thấy có nhiều người lợi dụng mạng xã hội đưa những tin “giật gân” nhằm “câu viu” hay bôi nhọ người khác. Theo đó, một số người khác lại vội lan truyền, đưa ra thiên kiến chủ quan của mình.
Hiệu ứng của mạng xã hội rất mạnh bởi sự nóng bỏng, kịp thời và rất nhanh tiếp cận người dùng. Vậy, hãy cẩn trọng khi đưa sự kiện hoặc chia sẻ, bình luận để lan tỏa cái tốt và phê phán cái xấu, kể cả cái xấu trên mạng xã hội là “bóp méo” sự thật với ý đồ không tốt.
Phaly - Pháp luật Plus