Suy nghĩ trước khi hành động
Bước chân ra ngõ, chị Hà (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hết hồn vì bãi tập kết rác của khu mình lổn nhổn ngổn ngang những que test COVID-19 vứt tràn lan trên mặt đất. Có que thì được gói trong túi nilon, có những que hiện hai vạch đỏ lòm mà người ta dùng xong hồn nhiên chẳng gói ghém gì vứt thẳng ra chốn công cộng luôn.
Nhìn thấy cảnh tượng ấy khiến người ta “rợn người” liên tưởng lại cảnh khẩu trang y tế được vứt khắp nơi khi dịch bệnh COVID-19 mới bùng phát, tiềm ẩn bao nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.
Người dân Hà Nội nên tự thu gom gói ghém cẩn thận trước khi vứt que test COVID-19
Chị Hà bày tỏ: “Các ca bệnh tăng cao, cùng với việc que test được bán rộng rãi hơn tại các hiệu thuốc, Hà Nội mùa này “nhà nhà test, người người test”. Test là để phát hiện nhanh, sàng lọc nguy cơ, tránh lây lan người khác vừa để mỗi người tự theo dõi tình trạng sức khỏe bản thân. Dù vậy, không khỏi diễn ra tình trạng “lạm dụng que test”. Có người cứ ngày test một lần, thậm chí ngày vài lần, như thế vừa lãng phí vừa góp phần đẩy giá kit test tăng cao.
Điều quan trọng nữa, test xong thì phải có ý thức vì đây cũng là một loại rác thải y tế cần phải được xử lý sau khi sử dụng chứ không thể vứt bừa bãi ra ngoài môi trường như thế này. Nó vừa gây mất mĩ quan vừa khiến người ta ghê sợ, đồng thời sau đợt cao điểm dịch bệnh như thế này môi trường sẽ gánh một lượng lớn rác thải nhựa, thật sự đáng sợ. Tôi mong mọi người nên cân nhắc, cần thiết thực sự mới test, test xong cần thu gom cẩn thận để đảm bảo vệ sinh”.
Cũng liên quan đến chuyện test, chị Thu (Hoàng Mai, Hà Nội) kể những ngày trước, khi ca mắc F0 tại phường Định Công nơi chị sống tăng quá cao, gây quá tải cho y tế phường, Nhân dân phải tự ra trạm y tế khai báo. Trong cả trăm người đứng chờ xếp hàng khai báo, lấy mẫu test hôm ấy có một người phụ nữ trung niên cứ liên tục hỏi đến lượt chị chưa dù chưa được đọc tên.
Rồi chị ta tự ngồi vào khu vực cho người chờ test, khi được nhân viên y tế lấy mẫu test, chị nhảy thách lên kêu đau, mắng chửi họ là “bố láo bố toét”, gây cản trở lực lượng y tế vốn đã ít ỏi phải làm việc hết công suất. Việc ồn ào kéo dài đến gần 15 phút khiến bao người đứng chờ ngao ngán, bức xúc.
“Giá như ai cũng trật tự xếp hàng, chờ đến lượt thì mọi việc sẽ trở nên nhanh chóng, nhẹ nhàng hơn. Đã là F0, phải tự đi khai báo, đứng xếp hàng chờ đợi đã mỏi mệt lắm rồi, lại còn gặp phải những “cảnh tượng” này quả thực rất khó chịu. Nếu ai cũng biết điều, biết nhường nhịn thì những ngày dịch bệnh sẽ qua đi nhẹ nhàng hơn. Còn ai cũng sẵn máu “nóng trong người”, động tí là sửng cồ, trút bức xúc của cá nhân sang người khác, không kiềm chế nổi thì những ngày dịch bệnh càng thêm mỏi mệt”, chị Thu cho biết.
Những que test như này chớ nên vứt bừa bãi ra nơi công cộng
Như vậy, những việc rất nhỏ trong ứng xử hàng ngày thôi nhưng hóa ra lại không hề nhỏ tí nào bởi nó đâu chỉ là hành vi của cá nhân mà còn ảnh hưởng tới tâm trạng và sức khỏe của cộng đồng.
Giúp đỡ nhau để tình người ấm áp hơn
Chị Hồng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) mấy hôm nay thực sự xúc động, có lúc ứa nước mắt nhưng chính vì sự cảm động này mà chị thấy tình người ấm áp hơn, giúp chị mau khỏi bệnh hơn. Chả là, chị một mình chăm 3 con nhỏ, chồng là bộ đội đóng quân ở xa, ít khi về nhà.
Lúc phát hiện ra bị nhiễm COVID-19, chị rất hoang mang, lo lắng. Rồi khi các triệu chứng trở nặng hơn, chị liên tục ớn lạnh, lạnh buốt người, đau bụng đi ngoài, sốt nóng sốt rét, ho… Chị nằm bẹp trên giường, ba đứa con nhỏ chưa thể tự đi chợ mua bán, nấu ăn. Thương con nhưng lực bất tòng tâm, chị Hồng không gượng dậy được. May sao, khi biết tin chị báo trên nhóm cư dân của khu chung cư chị ở, bà Liên hàng xóm sát bên cạnh vội vàng nấu nồi cháo, gọi các con chị mở cửa mang vào nhà.
Trong khi bốn mẹ con ăn tạm nồi cháo thịt nóng hổi, bà Liên chạy đi mua thuốc hạ sốt, đồ ăn thức uống về nấu nướng, cứ đến bữa là gọi con chị ra lấy vào. Khi chị Hồng đã tạm ổn thì đến lần lượt ba đứa con chị phát bệnh. Vẫn là một tay bà Liên nấu đồ ăn nóng hổi mang sang “tiếp sức” cho.
Từng việc làm nhỏ đều có thể động viên tinh thần, giúp người bệnh mau bình phục (Ảnh minh họa)
Mỗi lần nghe tiếng chuông cửa kèm lời dặn dò vọng vào của bà Liên: “Cơm bác để bên ngoài rồi, bốn mẹ con phải ăn hết để nhanh khỏe nhé” là chị Hồng lại thấy như thể có người thân thiết ruột thịt ở bên cạnh. Việc bà Liên giúp chị đâu chỉ là chăm sóc mà còn là sự động viên, khích lệ, giúp chị vừa vượt qua khó khăn bệnh tật lúc neo người mà còn là để chị biết rằng mình không cô đơn, luôn nhận được sự trợ giúp của những người xung quanh. Chính “liều thuốc” về tinh thần này cũng quan trọng không kém góp phần giúp chị mau khỏe lại.
Chị Minh (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng chia sẻ về sự bất ngờ của mình khi đăng thông tin cả nhà bị nhiễm COVID-19 lên mạng xã hội. Chị nhận được rất nhiều lời động viên, chúc cả nhà mau khỏi. Có những người bạn lâu năm không hề liên lạc, nay bỗng dưng inbox (nhắn tin) hàng ngày, hỏi han tình hình cả nhà, đặc biệt hỏi về các con nhỏ của chị. Rồi họ sốt sắng nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm điều trị cho người lớn, trẻ con từ chính bản thân mình để chị xem có thể áp dụng được cho các triệu chứng của từng thành viên trong gia đình hay không. Nhờ kinh nghiệm của các bạn, cộng thêm việc tham khảo các thông tin trên báo, đài theo hướng dẫn của Bộ Y tế, gia đình chị cũng vượt qua những ngày F0 tương đối dễ dàng.
Chị Minh tâm sự, hóa ra ngày thường họ vẫn âm thầm dõi theo mình, có thể những lúc vui vẻ họ không sẻ chia nhưng lúc thấy chị và gia đình mắc bệnh thì họ rất quan tâm, lo lắng. Điều đó làm chị Minh thấy vui vẻ hơn, được gắn kết với bạn bè cũ nhiều hơn và thấy rằng tình người quanh mình ấm áp, chan hòa quá mà những lúc hoạn nạn mới thấy được nó quý giá nhường nào.
Những sự sẻ chia, giúp đỡ dù lớn hay nhỏ đều rất có ý nghĩa trong mùa dịch này. Không chỉ giúp những người trong cuộc vượt qua khó khăn, cảm nhận được sự quan tâm của cộng đồng mà còn tiếp tục hình thành nên những ứng xử đẹp, dẹp đi nỗi lo lắng mà bệnh dịch mang đến để cuộc sống vẫn đẹp, vẫn thăng hoa dù trong bất kì hoàn cảnh gian nan nào.
Cẩm Tú - TTTĐ