HĐND TP Hà Nội đề nghị theo dõi, giám sát hai dự án chậm tiến độ của Tập đoàn Hà Đô

26/08/2021 17:49

Kinhte&Xahoi Hai dự án của Tập đoàn Hà Đô được HĐND TP Hà Nội liệt vào danh sách các dự án đã được giao đất nhưng chậm triển khai, vi phạm đất đai cần tiếp tục theo dõi, giám sát...

HĐND TP Hà Nội vừa có báo cáo về kết quả tái giám sát của Thường trực HĐND TP thực hiện kết luận giám sát của HĐND TP Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.

Theo báo cáo, tính đến tháng 5/2021, trên địa bàn TP Hà Nội có 287 dự án đã được giao đất nhưng chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai.

Trong đó, có 60 dự án chậm đưa đất vào sử dụng đề nghị gia hạn 24 tháng; 59 dự án chậm giải phóng mặt bằng; 20 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính; 76 dự án có các vi phạm khác; 39 dự án dừng thanh tra (do các cơ quan khác thanh tra hoặc dự án chưa được phê duyệt, chưa được giao đất...); 17 dự án kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo quy định của pháp luật; 16 dự án phát sinh sau thời điểm giám sát của HĐND TP năm 2018 đến tháng 3/2021, hiện đang triển khai nhưng chậm tiến độ so với tiến độ được duyệt.

Tòa nhà Tập đoàn Hà Đô

Ngoài ra còn có nhóm 63 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt. Trong đó, có 18 dự án cần thanh tra, kiểm tra để báo cáo UBND TP chấm dứt dự án theo quy định; 31 dự án chậm, tạm dừng cần điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cơ chế thực hiện do vướng mắc giữa các Luật; 8 dự án chậm nhưng đề xuất tiếp tục triển khai và đề nghị đẩy nhanh tiến độ; 6 dự án thành phố đã có chỉ đạo giao các sở chuyên ngành kiểm tra, thanh tra, chờ thực hiện theo kết luận.

Đáng chú ý, trong danh sách các dự án đã được giao đất nhưng chậm triển khai, vi phạm đất đai mà HĐND TP Hà Nội đề nghị tiếp tục theo dõi, giám sát có các dự án của nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn như Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD), Tập đoàn Nam Cường hay như Tập đoàn Hà Đô.

Chiếu theo báo cáo của HĐND TP Hà Nội, Tập đoàn Hà Đô có hai dự án bị liệt vào danh sách các dự án đã được giao đất nhưng chậm triển khai, vi phạm đất đai cần tiếp tục theo dõi, giám sát.

Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở để bán tại Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm (được giao đất, cho thuê đất theo Quyết định số 7625/QĐ-UBND ngày 9/11/2004) với diện tích 8.653m2. Với dự án này, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã nhiều lần có kết luận thanh tra chỉ ra vi phạm, HĐND TP Hà Nội kiến nghị UBND TP yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện xây dựng nhà ở thấp tầng.

Ngoài ra, Tập đoàn Hà Đô còn dự án Khu đô thị mới An Khánh - An Thượng (Khu Nam An Khánh mở rộng Khu I-A, hiện nay là dự án Hado Charm Villas) tại huyện Hoài Đức (được giao đất, cho thuê đất theo Quyết định 2431/QĐ-UBND ngày 14/12/2007).

Dự án Hado Charm Villas của Tập đoàn Hà Đô

Theo đề nghị của HĐND TP Hà Nội, UBND TP cần yêu cầu Tập đoàn Hà Đô hoàn thiện hồ sơ để được xem xét, thẩm định trình UBND TP xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, khẩn trương đầu tư xây dựng công trình theo đúng quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Hiện tại, dự án đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đang triển khai xây dựng các ô quy hoạch liền kề và biệt thự.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 13/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông đã ký văn bản chỉ đạo tới các sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính; Cục Thuế và UBND các quận, huyện, thị xã về việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND Thành phố về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.

Theo đó, thực hiện nội dung kiến nghị tại báo cáo kết quả tái giám sát của Thường trực HĐND TP, UBND TP Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài chính, Xây dựng, Cục Thuế, căn cứ các nội dung kiến nghị của HĐND TP, xây dựng kế hoạch tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2021-2023 việc đôn đốc, kiểm tra, xử lý các dự án sử dụng đất vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đaivới các nội dung cụ thể, thiết thực, hiệu quả; báo cáo UBND TP trong tháng 8/2021 để xem xét, chỉ đạo.

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục làm cơ quan đầu mối phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và xử lý các vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất tại các dự án vốn ngoài ngân sách, chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chậm thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ các nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND TP tại báo cáo số 57/BC-HĐND ngày 17/7/2018, Thông báo số 18/TB-HĐND ngày 16/8/2018, chỉ đạo của UBND TP tại Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 05/9/2018; kịp thời đề xuất, báo cáo UBND TP những nội dung vướng mắc vượt thẩm quyền

Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND, UBND TP tại các văn bản liên quan để chủ động, tiếp tục thực hiện các giải pháp, biện pháp kiểm tra, đôn đốc, xử lý các vi phạm; tạo điều kiện, hướng dẫn nhà đầu tư giải quyết các vướng mắc tại các dự án theo quy định của pháp luật để sớm đưa đất vào khai thác, sử dụng hiệu quả, đúng quy hoạch, đúng quy định; đồng thời, kiên quyết thực hiện chấm dứt dự án đầu tư, thu hồi đất do không đưa vào sử dụng, chậm đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật.

Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2021, Tập đoàn Hà Đô ghi nhận 1.832 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 502 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính tại thời điểm ngày 30/6/2021, Tập đoàn Hà Đô đang có tổng tài sản 14.774 tỷ đồng, tăng 6,5% so với hồi đầu năm. Công ty gia tăng đầu tư tài chính ngắn hạn gấp 7 lần, lên mức 488 tỷ đồng.

Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn và giá trị hàng tồn sụt giảm 21% và 32% so với đầu năm, ghi nhận 1.392 tỷ đồng và 1.189 tỷ đồng.

Khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Tập đoàn Hà Đô đang ở mức 5.935 tỷ đồng, tăng 33% so với hồi đầu năm. Trong đó tập trung tại các dự án Khu nghỉ dưỡng Bảo Đại, Thủy điện Sông Tranh 4, Hà Đô Centrosa Garden, Điện gió 7A, Thủy điện Đăk Mi...

Đáng chú ý, tại thời điểm ngày 30/6/2021, Tập đoàn Hà Đô ghi nhận khoản nợ phải trả lên tới 10.457 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của công ty này chỉ ở mức 4.317 tỷ đồng.

Như vậy, tổng nợ phải trả của Tập đoàn Hà Đô đã gấp 2,5 lần so với nguồn vốn chủ sở hữu. 

Hậu Lốc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Những người giữ mạch loa phường trong cuộc chiến dịch bệnh

Khi cả Thành phố đang căng mình chống dịch, đặc biệt trong những ngày giãn cách xã hội, những chiếc loa phường bỗng trở nên thân thuộc, người dân trông ngóng mỗi ngày. Ít ai biết rằng, đằng sau những giọng đọc của chiếc loa phường, các phát thanh viên hằng ngày vẫn lặng thầm đi về giữa phòng thu và các điểm chốt kiểm soát dịch bệnh. góp sức trong công tác chống dịch.

Thí điểm xét xử trực tuyến các vụ án dân sự, hành chính

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trước hết nên áp dụng hình thức xét xử trực tuyến trong các vụ án dân sự, tranh chấp thương mại, hành chính là chủ yếu và một số vụ án hình sự cần thiết, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/hdnd-tp-ha-noi-de-nghi-theo-doi-giam-sat-hai-du-an-cham-tien-do-cua-tap-doan-ha-do-175056.html