Hiện tượng "sóng nhiệt đại dương" khiến nhiệt độ nước biển tăng cao
Kinhte&Xahoi
Theo một nghiên cứu do Viện Khoa học biển Tây Ban Nha thực hiện, các đợt nắng nóng cũng diễn ra tại Địa Trung Hải từ năm 2015 đến 2019, giết chết hàng loạt loài sinh vật biển.
Người dân tắm biển Địa Trung Hải trong một ngày hè nóng nực ở Malaga, Tây Ban Nha vào trung tuần tháng 7/2022 (Ảnh: Reuters)
Các nhà khoa học vừa đưa ra những cảnh báo liên quan đến những ảnh hưởng từ hiện tượng ấm lên toàn cầu. Nhiệt độ cao trên khắp Châu Âu trong tháng 7 đã tạo ra đợt nắng nóng kéo dài ở biển Địa Trung Hải và có thể tàn phá các hệ sinh thái, giết chết một số loài sinh vật biển.
Nóng khắc nghiệt trong những tuần gần đây đã gây ra cháy rừng và khiến hàng nghìn người tử vong ở Châu Âu. Không khí ấm hơn cùng với sự dịch chuyển của các dòng hải lưu và bề mặt biển ổn định đã làm cho vùng biển ven bờ Địa Trung Hải ấm lên vài độ C, vượt quá nhiệt độ trung bình 24 - 26 độ C vào thời điểm này của năm trước đó.
Người dân đổ ra bờ biển Địa Trung Hải trong những ngày nắng nóng vừa qua
Cơ quan thời tiết AMET của Tây Ban Nha thông tin, vùng nước giữa khu vực quần đảo Balearic của Tây Ban Nha và bờ biển Ý đã ấm hơn tới 5 độ C so với năm ngoái. Đồng thời, AMET cảnh báo đến giữa tháng 8/2022, nhiệt độ xung quanh bờ biển Tây Ban Nha sẽ có thể tăng thêm từ 3 - 4 độ C.
Thông tin từ Cơ quan quản lý các cảng của Tây Ban Nha, ngày 1/8 vừa qua, nhiệt độ tại khu vực phía Đông Nam nước này đã đạt 28 độ C. Đây là mức nhiệt cao kỷ lục trong 10 năm vừa qua.
Hiện tượng sóng nhiệt diễn ra ở đại dương vốn ít được nghiên cứu hơn trên đất liền. Tuy nhiên, hiện tại nó đã diễn ra thường xuyên hơn do chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, có tác động lớn đối với các hệ sinh thái biển vốn đang phải đối mặt với nạn đánh bắt vô tội vạ của con người và sự gia tăng nạn ô nhiễm nhựa mà con người thải ra đại dương.
Người dân đổ ra bờ biển Địa Trung Hải trong những ngày nắng nóng vừa qua
Nhà khoa học chuyên nghiên cứu về đại dương - ông Jean-Pierre Gattuso cho biết, ngày 25/7, nhiệt độ nước gần thành phố biển Nice (Pháp) đã đạt mức 29,2 độ C - cao hơn khoảng 3,5 độ C so với cùng kỳ ngoái. Đây được đánh giá là “mức nhiệt cao kỷ lục từng được ghi nhận kể từ năm 1994 và có thể từ những năm trước đó”.
Ông Gattuso giải thích, đại dương “giống như một miếng bọt biển hút nhiệt” nên hiện tượng sóng nhiệt diễn ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển.
Theo một nghiên cứu do Viện Khoa học biển Tây Ban Nha thực hiện, các đợt nắng nóng cũng diễn ra tại Địa Trung Hải từ năm 2015 đến 2019, giết chết hàng loạt loài sinh vật biển.
“Đợt nắng nóng trên biển năm nay diễn ra theo chiều hướng thậm chí còn tệ hơn, bởi nó kéo dài với cường độ lớn hơn. Nhiệt độ cao có khả năng khiến các loài sinh vật biển chết hàng loạt trong những tuần tới”, ông Jean-Pierre Gattuso nói.
Biển Địa Trung Hải
Đợt nắng nóng bao phủ khắp Châu Âu buộc các quốc gia như Italia, Ba Lan và Slovenia phải đưa ra mức cảnh báo về sóng nhiệt cao nhất.
Kể từ khi nhiệt độ ở miền Nam Châu Âu bắt đầu tăng cao vào đầu tháng 7, đợt nắng nóng đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và làm bùng phát các đám cháy rừng, thiêu rụi hàng chục nghìn héc ta đất ở các quốc gia Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp. Trong khi đó, Anh và Pháp đều chứng kiến nhiệt độ cao kỷ lục vào những ngày qua.
Hoàng Châu - TTTĐ