Hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động
Kinhte&Xahoi
Cụ thể hóa Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố. Để đạt mục tiêu trong năm 2022 giải quyết việc làm mới cho 160.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,2%... trong kế hoạch, các cấp, ngành, địa phương đã và đang tích cực vào cuộc.
Tư vấn tuyển dụng cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: Hà Hiền
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội Bạch Liên Hương:
Đẩy mạnh khai thác nhu cầu lao động trong lĩnh vực, ngành nghề mới
Để hiện thực hóa các chỉ tiêu của Kế hoạch số 34/KH-UBND hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022, cùng với việc kiểm soát dịch bệnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ tập trung rà soát, đánh giá thực trạng nguồn lao động trước, trong và sau dịch Covid-19, những tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; đồng thời, triển khai Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạ t động hệ thống Sàn giao dịch việc làm Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo”, Đề án “Phát triển quan hệ lao động thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025” và mở rộng thu thập thông tin thị trường lao động tại các quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, Sở sẽ đẩy mạnh tìm hiểu nhu cầu lao động trong những lĩnh vực và các nghề mới; hỗ trợ doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động để tuyển chọn, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung:
Quan tâm phát triển thị trường lao động
Trên cơ sở 5 nhóm giải pháp thực hiện Kế hoạch số 34/KH-UBND đã được thành phố đề ra, quận Hai Bà Trưng sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động. Trong đó, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp, thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cạnh tranh. Cùng với kiểm soát tốt dịch bệnh, quận quan tâm hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, phát triển thị trường lao động, lực lượng lao động. Đẩy mạnh thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đồng thời cơ cấu lại, phục hồi, phát triển ngành Du lịch theo hướng xây dựng các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, hấp dẫn, giá trị cao.
Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn:
Gắn dạy nghề cho lao động nông thôn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Xác định rõ việc hỗ trợ, phát triển thị trường lao động là nhiệm vụ trọng tâm, gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, huyện Ứng Hòa hướng tới lực lượng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bị mất việc làm hoặc có nhu cầu chuyển đổi nghề để tìm kiếm việc làm, thu nhập tốt hơn. Huyện sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp giải quyết việc làm để khai thác tối đa tiềm năng và phát huy thế mạnh nguồn lực lao động vào phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời khắc phục lãng phí nguồn nhân lực, hỗ trợ để người dân làm giàu, góp phần giảm nghèo bền vững. Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng chương trình dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Tạ Văn Thảo:
Nghiên cứu, bổ sung nghề phù hợp với xu hướng sử dụng lao động
Để giải quyết việc làm cho người lao động, Trung tâm đã hỗ trợ đào tạo nghề mới cho người thất nghiệp nên sau khi học nghề, đa số học viên đều có việc làm. Hiện, Trung tâm đã liên kết với 16 cơ sở dạy nghề để tổ chức đào tạo 27 nghề ở trình độ sơ cấp cho người có nhu cầu. Những nghề được đào tạo đều phù hợp với xu hướng sử dụng lao động của thị trường. Với hình thức đào tạo lấy người học làm trung tâm, nội dung đào tạo theo giáo trình chuẩn nên chất lượng đầu ra tương đối tốt. Để chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trở thành "giá đỡ", giải quyết việc làm, mở rộng thị trường lao động, Trung tâm sẽ nghiên cứu, bổ sung một số nghề phù hợp với nhu cầu của người lao động và thị trường.
Bà Nguyễn Thị Nhàn (xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ):
Giúp có thêm thông tin về thị trường lao động
Tôi có nghề may, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên mất việc làm. Nhờ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp của Nhà nước nên tôi được học nghề nấu ăn, pha chế nước hoa quả. Sau khi được tư vấn, giới thiệu, tôi có việc làm ổn định tại một nhà hàng ở thị xã Sơn Tây. Để công tác hỗ trợ đào tạo nghề phát huy tốt, theo tôi, các trung tâm dạy nghề cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó theo dõi sát sao quá trình dạy nghề cho người lao động. Đồng thời mở thêm nhiều phiên giao dịch việc làm giúp người thất nghiệp có thêm thông tin về thị trường lao động.
Nhóm PV - Hà Nội mới