Hoàn thành phê duyệt Đề án vị trí việc làm trong quý I/2024
Kinhte&Xahoi
Sáng 8/12, chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai xây dựng, quản lý vị trí việc làm (VTVL) trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo hoàn thành xây dựng và phê duyệt tất cả Đề án VTVL trước ngày 31/3/2024.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn ảnh: congluan.vn)
Theo Bộ Nội vụ, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định (Nghị định 06/2020/NĐ-CP về VTVL và biên chế công chức; Nghị định 106/2020/NĐ-CP về VTVL và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập); 20/20 Bộ, ngành đã ban hành Thông tư hướng dẫn về VTVL công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 15/15 Bộ, ngành đã ban hành Thông tư hướng dẫn về VTVL lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng và quản lý VTVL trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đánh giá cao sự vào cuộc của tất cả các Bộ, ngành, địa phương để đạt được những chuyển biến tích cực trong thời gian qua, nhất là trong việc hoàn tất khung pháp lý cho việc xây dựng và phê duyệt Đề án VTVL.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, cải cách bao giờ cũng gặp trở ngại, khó khăn, áp lực, nhạy cảm, nhưng đây là việc hệ trọng phải làm, khó tới đâu gỡ tới đó để quý II/2024 tập trung xây dựng hệ thống bảng lương mới, áp dụng từ ngày 01/7/2024. Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp công tác tổ chức xây dựng và phê duyệt Đề án VTVL đạt chất lượng cao nhất, bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc chung trong các Nghị quyết của Trung ương. Đồng thời, cần có sự linh hoạt nhất định, không cầu toàn, không được chủ quan, hời hợt để sau khi có Đề án VTVL và hệ thống bảng lương mới có thể khích lệ, phát huy sự năng động, sáng tạo, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành tập trung rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung kịp thời các quy định hướng dẫn VTVL theo ngành, lĩnh vực, bảo đảm tính thống nhất, liên thông, đồng bộ; thực hiện phân cấp mạnh nhất trong xây dựng và phê duyệt Đề án VTVL trong khuôn khổ cho phép của các quy định hiện hành. Phó Thủ tướng đề nghị tăng cường sự phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các Bộ, ngành và giữa các địa phương với nhau. Bộ Nội vụ có thể phối hợp với các Bộ, ngành thiết lập “đường dây nóng” hoặc sử dụng ứng dụng mạng xã hội để kịp thời hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc của các địa phương.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, chủ trì xây dựng Báo cáo về triển khai xây dựng, quản lý VTVL trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó nêu rõ những việc đã làm được, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị, gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế.
Việc xây dựng Đề án VTVL và phê duyệt VTVL trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập phải bảo đảm mục tiêu cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện tinh giản biên chế công chức và giảm biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước.
Tuệ Minh - Pháp luật Plus