Ảnh minh họa

UBND TP HCM mới ra chỉ đạo về việc cho phép tạm thu học phí học kỳ 1 năm học 2023-2024 của các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập trên địa bàn TP. Với việc thống nhất chủ trương tạm thu học phí theo tờ trình của Sở GD&ĐT thì UBND TP HCM thống nhất chủ trương cho các cơ sở giáo dục công lập tạm thu học phí học kỳ 1 của năm học 2023-2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022.

Theo đó, nhóm 1 là học sinh học tại các trường ở TP Thủ Đức và các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân. Nhóm 2 là học sinh học tại các trường ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ.

Mức tạm thu học phí học kỳ I năm học 2023-2024 tại TP HCM.

Thanh Hóa vừa có chỉ đạo thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục đào tạo năm học 2023-2024. Cụ thể, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh tạm thu học phí bằng mức thu của năm học 2022-2023 theo Nghị quyết số 02 của HĐND tỉnh.

Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên công lập tự đảm bảo chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh tạm thu học phí tối đa bằng 2 lần mức thu của năm học 2022-2023. Các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc tỉnh chủ động xây dựng lộ trình và mức thu học phí năm học 2023-2024 theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập giữ ổn định học phí từ năm học 2023-2024 so với năm học 2021-2022. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 81/2021 của Chính phủ.

Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam, mức học phí năm học 2023 - 2024 đối với trẻ mầm non, học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên cụ thể như sau:

Đối với cấp mầm non, tiểu học, THCS khu vực thành thị là 300.000 đồng/tháng; khu vực nông thôn 100.000 đồng/ tháng; khu vực bãi ngang ven biển, hải đảo và miền núi là 50.000 đồng/tháng; Cấp THPT lần lượt là 300.000 đồng/tháng, 200.000 đồng/ tháng và 100.000 đồng/ tháng.

Nghị quyết cũng nêu rõ, đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, mức học phí tối đa bằng 2 lần mức học phí quy định; Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, mức học phí tối đa bằng 2,5 lần mức học phí. Cơ sở giáo dục thường xuyên công lập, cơ sở đào tạo công lập khác thực hiện chương trình giáo dục phổ thông áp dụng mức học phí tương đương với mức học phí của cùng cấp học, cùng loại hình đơn vị trên địa bàn.

Sở GD&ĐT An Giang quyết định giữ ổn định mức thu học phí năm học 2023 – 2024 của các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập bằng mức thu học phí của năm học 2021 – 2022 theo đúng quy định.

Sở GD&ĐT An Giang yêu cầu các cơ sở giáo dục không được ép buộc học sinh, cha mẹ học sinh, người giám hộ học sinh nộp dịch vụ giáo dục (học phí) cả học kỳ/năm học dưới mọi hình thức; trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, khuyến khích các đơn vị chia nhỏ nhiều lần thu. Các đơn vị thu học phí mầm non và phổ thông phải niêm yết, thông báo công khai mức thu tại điểm thu; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "lạm thu" đầu năm học.

Mức thu học phí mầm non và phổ thông công lập năm học 2023 – 2024 trên địa bàn An Giang. (Đơn vị tính: đồng/học sinh/tháng). (Ảnh: Báo GD&TĐ)

UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan chưa triển khai thu học phí năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục mầm non và phổ thông trong khi chờ chỉ đạo của Chính phủ. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thực hiện thu học phí năm học 2023 - 2024 bằng mức thu học phí năm học 2021 - 2022 do nhà trường ban hành theo quy định. Riêng các chương trình đào tạo đã đạt chuẩn kiểm định thì mức học phí thu không quá 2,5 lần so với mức học phí năm học 2023 - 2024.

Mức thu học phí của Nghệ An trong 2023-2024 vẫn giữ nguyên như các năm học trước và có sự khác nhau giữa các vùng, miền. Theo đó, mức thu học phí sẽ được chia thành 4 khu vực và có sự khác nhau đối với từng vùng, từng bậc học. Trong đó, bậc mầm non lần lượt từ 45.000 đồng đến 280.000 đồng, bậc THCS từ 35.000 đồng đến 130.000 đồng, bậc THPT và bổ túc THPT từ 45.000 đồng đến 230.000 đồng.

Tháng 8/2023, HĐND Thừa Thiên Huế thông qua Nghị quyết về việc Quy định mức thu học phí của cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh năm học 2023 – 2024. Theo đó, mức thu học phí năm học 2023 – 2024 đối với các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện như mức thu học phí năm học 2022 – 2023.

Như Pháp luật Việt Nam đã thông tin, UBND TP Hà Nội đang lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của HĐND TP quy định chế độ hỗ trợ học phí đối với trẻ mẫu giáo và học sinh phổ thông của thành phố thuộc hộ cận nghèo. Dự thảo Nghị định đề xuất hỗ trợ 50% mức thu học phí do HĐND TP quy định đối với cơ sở giáo dục công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên tương ứng với hình thức học và vùng, cấp học.

Đối tượng áp dụng là trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc hộ cận nghèo đang theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông của thành phố Hà Nội; học viên thuộc hộ cận nghèo đang theo học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông của thành phố Hà Nội.

Thời gian hỗ trợ từ 1/1/2024 (theo thời gian học sinh học thực tế, tối đa không quá 9 tháng/năm học). Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo phân cấp.

Cả nước hiện có 5 địa phương miễn học phí cho học sinh trong năm học 2023-2024 là Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam và Quảng Bình với dự chi hàng trăm tỷ đồng.

Minh Trang (tổng hợp) - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/hoc-phi-cac-dia-phuong-nam-hoc-2023--2024-d200184.html