Nhiều cam kết hợp tác đã được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh EU - AU.
Hội nghị Thượng đỉnh EU - AU lần thứ 6 do Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Tổng thống Senegal kiêm Chủ tịch AU Macky Sall đồng chủ trì.
Theo hãng tin Aljazeera, hội nghị có mục đích củng cố và điều chỉnh lại quan hệ đối tác kinh tế và chiến lược giữa các nước châu Âu và châu Phi. Thay vì quan hệ cho - nhận tài trợ, sự kiện này đặt cơ sở cho một mối quan hệ đối tác mới, trong đó châu Phi cố gắng khẳng định mình, chủ động và hành động hiệu quả, tích cực hơn bằng các giải pháp phối hợp trước những thách thức toàn cầu như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu. Việc EU thể hiện sự gắn bó với Lục địa đen là rất quan trọng khi ngày càng có nhiều đối tác tiềm năng khác của châu Phi đưa ra những cam kết mạnh mẽ để nâng tầm ảnh hưởng.
Trang Europa cho biết, thách thức trước mắt đối với quan hệ đối tác giữa hai bên là bảo đảm tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vắc xin phòng Covid-19. Hãng tin Reuters nhận định, nhiều nước châu Phi thể hiện lo ngại rằng việc chậm được tiếp cận với vắc xin và các thiết bị y tế trong thời kỳ đại dịch có thể dẫn đến tình trạng bất bình đẳng. Tính đến đầu tháng 2-2022, mới chỉ có 11% dân số châu Phi được tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng, chống vi rút SARS-CoV-2. Tại hội nghị, EU tái khẳng định cam kết cung cấp ít nhất 450 triệu liều vắc xin cho châu Phi và phối hợp với Nhóm đặc nhiệm mua sắm vắc xin châu Phi (AVATT). Đóng góp vào nỗ lực này, nhóm châu Âu bao gồm các quốc gia thành viên EU và các tổ chức tài chính châu Âu cũng cung cấp hơn 3 tỷ USD cho quá trình triển khai chương trình tiêm chủng ở châu Phi.
Bên cạnh giải quyết khó khăn về tiếp cận vắc xin và trang thiết bị y tế, số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, mức nợ của các quốc gia có thu nhập thấp đến trung bình ở khu vực châu Phi cận Sahara đạt 702 tỷ USD vào năm 2020 - mức cao nhất trong một thập kỷ. Với việc châu lục này đang rất cần thúc đẩy nền kinh tế của mình, đây chính là một mảnh đất màu mỡ cho các khoản đầu tư của châu Âu. EU đặt mục tiêu vượt qua các đối thủ cạnh tranh bằng cách kết hợp chiến lược kết nối lớn của mình, được gọi là Cổng toàn cầu, với sáng kiến Thỏa thuận xanh châu Âu để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tại hội nghị, EU đã công bố gói đầu tư Cổng toàn cầu mới trị giá 150 tỷ euro (tương đương 169,67 tỷ USD) cho châu Phi để tài trợ cho chuyển đổi số, phát triển năng lượng tái tạo, giáo dục, giao thông và nhiều lĩnh vực khác trên khắp châu Phi trong 7 năm tới.
Tuyên bố chung của hội nghị khẳng định: “Hai châu lục hướng tới việc chứng minh và chia sẻ với phần còn lại của thế giới về sự thành công của một chương trình nghị sự về thịnh vượng, tôn trọng con người và hành tinh của chúng ta”. Nhiều cam kết khác về hợp tác giao lưu nhân dân, làm mới và củng cố hợp tác vì hòa bình và an ninh, quan hệ đối tác nâng cao và có đi có lại về vấn đề đi lại và di cư… cũng đã được đưa ra, cho thấy kỳ vọng về hợp tác sâu rộng hơn.
Nhà phân tích chính sách cao cấp tại Trung tâm Phát triển toàn cầu W.Gyude Moore hoan nghênh cam kết đầu tư và nhận định, những cam kết này sẽ mở đầu cho một mối quan hệ đối tác bình đẳng thực sự khi được chuyển thành các dự án trên thực tế.
Minh Hiếu - Hà Nội mới