Ảnh minh họa. (Nguồn: VTV)
Vào ngày 20/5, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) sẽ đón khoảng 103 thương nhân Trung Quốc sang khảo sát, ký kết, thu mua vải thiều.
Các thương nhân này đã được Cục Quản lý xuất nhập cảnh chấp thuận nhập cảnh vảo Việt Nam để tiêu thụ nông sản.
Ngoài số thương nhân trên, tính đến ngày 10/5, UBND huyện Lục Ngạn còn nhận được danh sách gần 30 thương nhân Trung Quốc khác đăng ký nhập cảnh vào Việt Nam và đến Lục Ngạn thu mua vải thiều. Hiện số người này đang được cơ quan chức năng hướng dẫn làm các thủ tục đăng ký nhập cảnh.
Theo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, năm 2022 diện tích trồng vải tiếp tục duy trì 28.300 ha, sản lượng khoảng 180.000 tấn, vượt 20.000 tấn so với kế hoạch đề ra. Trong đó diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 15.400 ha, GlobalGAP là 82 ha.
Thời gian thu hoạch dự kiến từ ngày 20/5 đến 20/7. Việc thương nhân Trung Quốc sang thu mua trực tiếp vải thiều của Bắc Giang trong năm nay sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm.
Hiện, tỉnh Bắc Giang đã cấp 149 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, sản lượng khoảng 95.000 tấn. Đồng thời, Bắc Giang tiếp tục duy trì 300 cơ sở đóng gói phục vụ đủ nhu cầu xuất khẩu sang thị trường này.
Tỉnh Bắc Giang đề nghị mở luồng xanh ưu tiên xuất khẩu vải thiều, mỗi ngày từ 300 - 500 xe qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn; mở thêm 2 cửa khẩu phụ Chi Ma, Cổng Trắng (Lạng Sơn); kéo dài thời gian làm việc hằng ngày tại cửa khẩu đến 21 giờ (giờ Trung Quốc).
Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang đề nghị phía Trung Quốc tạo điều kiện cho thương nhân được xuất cảnh, đến tỉnh Bắc Giang khảo sát, đàm phán thu mua vải thiều.
Năm ngoái, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng vẫn có gần 200 thương nhân Trung Quốc được phép nhập cảnh vào Việt Nam để thu mua vải thiều Bắc Giang. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh và phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch nên số thương nhân Trung Quốc được cấp thị thực sang thu mua vải Bắc Giang hai năm qua giảm một nửa so với trước.
Dù vậy, sản lượng vải xuất sang Trung Quốc năm 2021 vẫn đạt khoảng 85.000 tấn, chiếm trên 94% lượng vải xuất khẩu của Bắc Giang. Tổng doanh thu từ tiêu thụ hơn 210.000 tấn vải thiều các dịch vụ phụ trợ năm ngoái là hơn 6.800 tỷ đồng.
Năm nay, cùng với tăng cường kiểm soát về dịch COVID-19, thị trường Trung Quốc đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng vải thiều, đặc biệt về nguồn gốc, xuất xứ và mã số vùng trồng, mã số đóng gói.
Đảm bảo chất lượng vải thiều xuất khẩu, huyện Lục Ngạn đã cùng với các cơ quan liên quan thường xuyên chỉ đạo, giám sát các mã số vùng trồng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường truyền thống cũng như thị trường mới.
Năm 2022, diện tích vải thiều của huyện Lục Ngạn là 15.750 ha, sản lượng ước đạt hơn 95.000 tấn, trong đó vải chín sớm khoảng trên 20.000 tấn. Để tiêu thụ vải thiều thuận lợi, huyện Lục Ngạn đã chủ động triển khai các giải pháp để hỗ trợ nhân dân chế biến và tiêu thụ.
Đến nay, đã có những doanh nghiệp mới ở các nước như: Liên minh châu Âu (EU) Mỹ đã đến ký hợp đồng tiêu thụ vải thiều với giá cao và sản lượng lớn hơn năm ngoái.
Lê Hải - Pháp luật Plus