Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp với Tập đoàn Mess Franfurt cho biết, Triển lãm Quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt may Việt Nam 2024 (VIATT) sẽ diễn ra từ 28-2 đến 1-3 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC)
Đây là triển lãm thương mại quốc tế mang tầm khu vực trong lĩnh vực chuyên ngành về sợi, vải và phụ kiện dệt may, may mặc, dệt gia dụng, công nghệ dệt và máy khâu lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại chia sẻ thông tin tại buổi công bố triển lãm
VIATT 2024 có trên 500 gian hàng trưng bày của hơn 400 doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ như Anh, Đức, Ý, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Trong đó có nhiều sản phẩm vải hữu cơ, truy xuất được nguồn gốc, thân thiện với môi trường, công nghệ dệt may kỹ thuật và vải không dệt, công nghệ gia công dệt và in…
Đặc biệt, khu gian hàng Thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng của triển lãm, giới thiệu đến quan khách về thế mạnh, thương hiệu ngành dệt may Việt Nam.
Bên cạnh đó, hơn 14 hội thảo với các chủ đề chính như thiết kế và các xu hướng, chiến lược tiếp cận thị trường, công nghệ dệt và vải không dệt, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững... sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin mới nhất ngành dệt may thế giới.
Ngày 28, 29-2 dự kiến diễn ra những buổi trình diễn thời trang, giới thiệu các xu hướng thời trang bền vững tại Việt Nam và quốc tế.
Đây là dịp để doanh nghiệp trong nước kết nối, giao thương với doanh nghiệp quốc tế, hình thành liên kết chuỗi giá trị từ nguyên phụ liệu đến sản phẩm cuối cùng và tham gia vào quá trình phát triển nguồn cung nguyên liệu, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa.
Để chủ động tiếp cận đơn hàng mới, doanh nghiệp phải nhanh chóng nắm bắt xu hướng tiêu dùng và ứng dụng công nghệ mới để đáp ứng tiêu chí xanh
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, năm 2023, do ảnh hưởng kinh tế thế giới, ngành dệt may đối diện với nhiều thách thức.
Các nước là bạn hàng lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, châu Âu sức mua giảm nhiều. Nhiều doanh nghiệp dệt may bị đứt gãy đơn hàng, thậm chí có doanh nghiệp bị đứt gãy cả đơn hàng của năm 2025.
Đến cuối năm 2023 đầu năm 2024, ngành dệt may có một chút dấu hiệu khởi sắc khi nhập khẩu trở lại các nguyên liệu phục vụ cho dệt may tăng 1%-2%.
“Hội chợ lần này có những doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực dệt may trên thế giới mang công nghệ dệt, sản phẩm nguyên phụ liệu dệt may áp dụng công nghệ mới đảm bảo việc xanh hóa, các tiêu chuẩn tuần hoàn bảo vệ mội trường, phát triển bền vững. Doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận công nghệ mới và có thể nâng cao công nghệ hiện nay”, ông Lê Hoàng Tài cho biết thêm.
Nhiều doanh nghiệp đang tìm hiểu công nghệ dệt may mới sản xuất theo tiêu chí xanh hóa
Chia sẻ lý do chọn tổ chức tại Việt Nam, bà Wendy Wen, Giám đốc điều hành Công ty Mess Franfurt Hồng Kông cho biết, Việt Nam là nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ ba thế giới với nhiều tiềm năng. Nhiều doanh nghiệp quốc tế đã và đang mở rộng hoạt động sang Việt Nam để thúc đẩy ngành dệt may Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.
“Với mạng lưới hơn 200.000 khách hàng từ 11 quốc gia trên thế giới cùng sự hỗ trợ từ Bộ Công thương, chúng tôi kỳ vọng VIATT sẽ tạo tạo điều kiện thuận lợi để hình thành liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất nguyên, phụ liệu đến sản phẩm cuối cùng. Khuyến khích các thương hiệu lớn thế giới chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý và tham gia vào quá trình phát triển nguồn cung nguyên phụ liệu, hình thành chuỗi cung ứng trong nước”, bà Wendy chia sẻ.
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, chỉ số sản xuất ngành dệt may tháng đầu năm của Việt Nam rất khả quan, trong đó dệt tăng hơn 46%, sản xuất trang phục tăng gần 21%.
Đỗ Quyên - Pháp luật Plus