Huyền thoại người leo cột thép chót vót mắc cờ cho ngày 10/10

10/10/2018 09:54

Kinhte&Xahoi Trong đêm tối 9/10/1954, có một chiến sĩ vô cùng dũng cảm leo cột thép cao 45 mét, thực hiện giải cứu, mắc lại lá cờ lớn cho lễ chào cờ ngày 10/10.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ về đình chiến ở Đông Dương được ký kết. Qua nhiều ngày đấu tranh, các hiệp định về việc chuyển giao Hà Nội được ký kết ngày 30/9/1954 và ngày 2/10/1954 tại Ủy ban Liên hợp đình chiến Trung ương.

Sau đó, Chính phủ đã phái các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội để chuẩn bị việc tiếp quản thành phố.

Vào ngày 10.10.1954, thủ đô Hà Nội chính thức được hoàn toàn giải phóng. Hà Nội sạch bóng quân thù, hân hoan đón mừng những người con chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô.

Sự kiện đó đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa cực kì to lớn, mở ra một  thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Các đơn vị QĐND Việt Nam tiến vào từ năm cửa ô tiếp quản thủ đô 

Sau thất bại thảm hại trên chiến trường Điện Biên Phủ, quân Pháp buộc phải chấp nhận kí hiệp định Giơnevơ, chấp nhận rút khỏi thành phố Hà Nội của chúng ta, trong sự ê chề nhục nhã.

Đúng 8h sáng ngày 10/10/1954, các đơn vị QĐND Việt Nam tiến về từ năm cửa ô, tiếp quản Thủ đô sau 9 năm bị tạm chiếm.

Công sở được ta tiếp quản tuyệt đối an toàn 

Hà Nội cùng Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp thu tuyệt đối an toàn và nhanh gọn toàn bộ các vị trí quân sự của địch ở Hà Nội: sân bay Bạch Mai, sân bay Gia Lâm, Đồn Thủy, khu Thành (Citadel), những vị trí có tầm quan trọng đặc biệt.

Ta tiếp thu 129 công sở, công trình lợi ích công cộng, xí nghiệp, bệnh viện, trường học…, trong đó có phủ Toàn quyền cũ, phủ Thủ hiến Bắc Việt (Bắc Bộ phủ cũ), Sở Mật thám Liên bang Đông Dương, những cơ quan đầu não, trọng yếu của Pháp.

Lễ chào cờ long trọng do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức

15 giờ ngày 10/10/1954, còi trên nóc Nhà hát Thành phố nổi lên một hồi dài. Hàng trăm nghìn người dân thủ đô Hà Nội trang nghiêm dự lễ chào cờ long trọng do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức tại sân vận động Cột Cờ, với sự tham gia của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố.

Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính. Các đơn vị tham dự lễ chào cờ tập hợp thành khối vuông nghiêm chỉnh.

Đứng sau đội hình bộ binh là đội hình cơ giới và pháo binh xếp hàng ngang thẳng tắp, xe pháo nghiêm chỉnh, pháo thủ và bộ binh cơ giới đứng nghiêm trên xe.

Xung quanh sân vận động, nhân dân các khu phố kéo đến đông nghịt đứng vòng trong vòng ngoài chật ních cả đường Hoàng Diệu và đường Cột Cờ (nay là đường Điện Biên Phủ).

Sân vận động Cột cờ

 

Sân vận động Cột Cờ là một sân vận động cũ, hiện tại đã bị dỡ bỏ ở Hà Nội. Nó có sức chứa khoảng 6.000 người và nằm trong Trung tâm Thể dục Thể thao Quân đội.

Đây là sân vận động gắn liền với lịch sử 50 năm của câu lạc bộ Thể Công. Vào thập niên 1940, người Pháp xây dựng sân vận động Manzin. Và do sân Manzin nằm cạnh Cột cờ Hà Nội nên được gọi là sân vận động Cột Cờ.

Năm 2004, Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết định không sử dụng sân Cột Cờ cho các hoạt động thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, giao quyền quản lý cho các đơn vị quân đội khác. Còn đội Thể Công tập luyện tại sân Bạch Mai và lấy sân Hàng Đẫy làm sân nhà.

Lá cờ tổ quốc cắm ở cột cờ Hà Nội

Ngay từ đêm 9/10/1954, bộ đội công binh của Trung đoàn Thủ đô – Đại đoàn quân tiên phong 308 đã lắp lên cột cờ một ống thép nặng 2 tạ, cao 12m để treo lá cờ Tổ quốc rộng hơn 50m2 lên độ cao 45m. Người kéo lá cờ Tổ quốc lên cao là Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Quốc Trị.

Chiến sĩ, Trần Văn Giai leo lên cột thép cao 45 mét mắc cờ cho ngày Đại lễ 10/10 

Trước ngày quân ta vào giải phóng Hà Nội, quân đội Pháp ra lệnh phá hủy luôn đoạn cột cờ bằng sắt trên tháp cột cờ Hà Nội làm khó cho người tiếp quản.

Trung đội 52 thuộc Tiểu đoàn 444 Trung đoàn Công binh 151 tăng cường cho Trung đoàn Thủ đô được giao khôi phục lại đoạn cột cờ ấy và tiến hành treo cờ lên cột.

Tuy nhiên, khi gần như thành công thì lá cờ bị gió thổi mạnh quấn kẹt vào cột cờ. Chiến sĩ, Trần Văn Giai đề nghị cho anh trèo lên nâng dây cáp vào pu-li, giải cứu lá cờ.

Không dây an toàn, Chiến sĩ, Trần Văn Giai leo lên cột thép cao tương đương với ngôi nhà 15 tầng. Bầu trời lồng lộng, từ dưới nhìn lên anh Giai như một con nhái bén. Cờ bay kéo dây cáp căng như dây lèo cột buồm. Cứ thấy anh huơ tay chỉnh dây cáp và hét vọng xuống "thả"- "kéo" - "thả" - "kéo".

4 giờ sáng ngày mồng 10 tháng 10 năm 1954, chiến sĩ Giai giải cứu lá cờ thành công, tụt xuống từng đoạn một, rồi kiệt sức rơi tụt xuống đôi vòng tay đồng đội ngất lịm.

Đảm bảo hồ sơ ‘sổ đỏ’ ở Hà Nội không bị thất lạc 

 

Hà Nội có Sở Trước bạ và quản thủ điền thổ do người Pháp lập ra từ những năm đầu thế kỷ XX khi tiến hành mở mang thành phố.

Bên cạnh đó là Sở Địa chính phụ trách đất đai cả xứ Bắc kỳ. Lại có Phòng Pháp chế nhà cửa tại tòa Thị chính nơi người dân đến giao dịch mua bán bất động sản.

Trước ngày giải phóng, người Pháp âm mưu mang theo vào Sài Gòn tất cả những hồ sơ, tài liệu về nhà đất Hà Nội. Mục đích thâm hiểm của đối phương là sẽ gây cho Hà Nội rối loạn về quản lý nhà đất.

Bất chấp mọi hiểm nguy, những người làm việc ở sở quản lý điền thổ đã bí mật mang từng chồng hồ sơ đi phân tán cất giấu.

Khi cán bộ ta về tiếp quản thì các tài liệu, hồ sơ này được sắp xếp khoa học, trả lại cho cán bộ. Người có công đầu trong việc cất giấu hồ sơ chính là ông giám đốc Sở Trước bạ Trần Văn Du.

Ca khúc “Tiến về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Văn Cao được sáng tác 

 

Trong số rất nhiều ca khúc viết về Hà Nội thì “Tiến về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Văn Cao được xem là ca khúc “kỳ lạ” nhất viết về ngày Giải phóng Thủ đô.

Nói “kỳ lạ” bởi ca khúc được sáng tác vào năm 1949, tức là ra đời trước 5 năm khi Hà Nội hoàn toàn được giải phóng. Theo nhiều nhạc sĩ thì “Tiến về Hà Nội” được xem như một bài hát mang tính dự báo về ngày Giải phóng Thủ đô nhưng lại trùng khớp một cách kỳ lạ với những gì đã diễn ra sau đó.

Vào tháng 10/1954, Hà Nội đón những đoàn quân từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản và hình ảnh những đoàn quân “đi như sóng” tiến về Hà Nội đẹp không khác gì lời bài hát mà nhạc Văn Cao đã viết từ trước đó: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…

 

Theo Tiền phong/Phapluatplus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản

Trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong-Nhật Bản lần thứ 10, ngày 8/10, tại Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản, sau lễ đón trọng thể, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm và dự chiêu đãi của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.