Ngày 28-5, theo tin từ Bệnh viện E, tại đây vừa tiếp nhận một trường hợp nữ bệnh nhân (20 tuổi) mắc viêm phúc mạc ruột thừa có phủ tạng đảo ngược.
Bệnh nhân được chăm sóc sau phẫu thuật tại Bệnh viện E. Ảnh: Thanh Xuân
Bác sĩ Phùng Văn Quyên, Khoa Phẫu thuật tiêu hóa (Bệnh viện E) cho biết, người bệnh nhập viện với các dấu hiệu rõ rệt của chứng đau ruột thừa như: Đau bụng dữ dội vùng hố chậu, buồn nôn, đau tăng dần và liên tục, đau di chuyển xuống hạ vị… Tuy nhiên, với người bình thường, khi đau ruột thừa sẽ đau ở hố chậu phải, còn người bệnh lại đau ở bên hố chậu trái, điều này rất dễ gây nhầm lẫn trong chẩn đoán bệnh.
Qua khám lâm sàng và kết quả các xét nghiệm, siêu âm bụng, chụp CT ổ bụng, các bác sĩ xác định,người bệnh bị viêm phúc mạc khu trú do ruột thừa mủ trên nền người bệnh bị đảo ngược phủ tạng hiếm gặp.
Theo đó, toàn bộ tim và dạ dày của người bệnh nằm bên phải, còn gan và ruột thừa lại nằm bên trái, ngược hoàn toàn so với bình thường.
Bác sĩ Phùng Văn Quyên giải thích thêm, đây là một dị tật hiếm gặp, với tỷ lệ khoảng 0,001%-0,01%, trong đó có khoảng 5-10% có dị tật tim bẩm sinh kèm theo. Điều đáng nói là khoảng 4% trong số các ca đảo ngược phủ tạng có thể mắc viêm ruột thừa, còn lại có cuộc sống hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ca phẫu thuật diễn ra khoảng 60 phút. Trong quá trình phẫu thuật, do bệnh nhân bị đảo ngược nội tạng nên các bác sĩ phải thực hiện các thao tác ngược lại so với thông thường.
Các bác sĩ cảnh báo, khi có dấu hiệu của viêm ruột thừa, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc tự ý dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc giảm đau có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Riêng với ca bệnh nói trên, sau khi phẫu thuật, các bác sĩ đã khuyến cáo người bệnh và gia đình hiểu rõ về tình trạng bệnh lý, đặc biệt là những lưu ý về sức khỏe sau này.
Thu Trang - Hà Nội mới