Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới vào sáng 9-3, không chỉ chính quyền địa phương mà người dân trên địa bàn Thủ đô đều đồng thuận với chủ trương này và sẵn sàng hợp tác triển khai.
Khai báo y tế toàn dân được thực hiện ở đâu, như thế nào?
Sáng 9-3, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, trên tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đang chờ phần mềm khai báo sức khỏe toàn dân để triển khai thực hiện. Việc khai báo sức khỏe toàn dân nếu thực hiện tốt không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong công tác chống dịch Covid-19 mà còn giúp cho thành phố hoàn thiện nốt việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử.
Theo đó, việc khai báo sức khoẻ toàn dân sẽ có phần mềm (app) riêng để người dân cài đặt trên điện thoại nhằm cung cấp thông tin y tế cá nhân. Các thông tin sẽ rất cơ bản, ngắn gọn về tên, tuổi, địa chỉ, số thẻ bảo hiểm y tế, tình trạng sức khỏe (bệnh mạn tính, có hay không biểu hiện ho, sốt, khó thở...); tình trạng tiếp xúc với người có nghi nhiễm, hoặc nhiễm Covid-19; việc đi, về, nhập cảnh từ vùng có dịch...
Căn cứ trên thông tin được cập nhật, cơ quan y tế tại địa bàn sẽ nắm bắt cơ bản diễn biến sức khỏe cá nhân, kịp thời liên lạc, hỗ trợ, theo dõi sức khỏe trong tình huống cần thiết, chú trọng những trường hợp có yếu tố nguy cơ (liên quan đến ca bệnh Covid-19, tiếp xúc gần, tiếp xúc với người tiếp xúc gần ca bệnh, đi về từ vùng có dịch...).
Sáng 9-3, huyện Thanh Trì tổ chức tổng duyệt diễn tập phòng, chống Covid-19. Đại diện huyện Thanh Trì cho biết, thời gian qua, huyện đã triển khai lập hồ sơ quản lý sức khoẻ điện tử cho người dân trên địa bàn. Khi triển khai khai báo sức khỏe toàn dân, huyện sẽ dựa vào hồ sơ sẵn có và bổ sung thêm phần điều tra dịch tễ. "Huyện đã chuẩn bị nhân lực thực hiện và tuyên truyền để người dân hiểu về sự cần thiết phải khai báo, đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện", đại diện huyện Thanh Trì nói.
Cũng trong sáng 9-3, khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Đức Viên, Trưởng Phòng Y tế quận Cầu Giấy cho biết, quận đã sẵn sàng để khi có phần mềm là sẽ triển khai ngay. Việc khai báo sẽ giúp ích rất nhiều cho cho chính quyền địa phương trong việc kiểm soát nguy cơ cũng như ngăn chặn nguồn lây.
Còn tại Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, chị Đỗ Hiền Trang, cán bộ nhà trường cho biết, ngay trong sáng 9-3, nhà trường đã triển khai việc khai báo thông tin phòng, chống dịch Covid-19 tới 100% cán bộ, nhân viên thông qua phiếu khai trên phần mềm công nghệ thông tin của nhà trường. Trong phiếu, ngoài khai báo họ tên, năm sinh, đơn vị công tác, địa chỉ nơi ở hiện tại, số điện thoại, phần khai báo yếu tố dịch tễ gồm 11 câu hỏi, như: Có người thân trong gia đình tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 trong vòng 2 tuần, trở về từ vùng có dịch trong vòng 2 tuần qua; có người thân trong gia đình trở về từ vùng dịch trong vòng 2 tuần qua, trở về từ các quốc gia hoặc từ các vùng hiện đã xác định có người nhiễm Covid-19 trong vòng 2 tuần qua; tình hình sức khoẻ hiện tại...
Khai báo không trung thực sẽ bị xử lý
Với việc xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm Covid-19 trong những ngày qua, công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam bước vào giai đoạn mới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trong "cuộc chiến" chống dịch Covid-19, chúng ta đã thắng trong chiến dịch mở màn, trong giai đoạn đầu của "cuộc chiến" và nhất định chúng ta phải chiến thắng cả "cuộc chiến" này. Chúng ta đã thực hiện khai báo y tế bắt buộc với người nhập cảnh vào Việt Nam, nhưng chưa đủ nên cần triển khai khai báo y tế với mọi người Việt Nam. Đây không chỉ là trách nhiệm chống dịch theo quy định mà còn là hành động cụ thể để mọi người Việt Nam chung sức, đồng lòng, toàn dân chống dịch. Các thông tin khai báo phải được quản lý chặt chẽ, chỉ phục vụ chống dịch, không sử dụng vào mục đích khác.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), mỗi cá nhân khai báo y tế cho bản thân hoặc có thể khai báo giúp cho những thành viên trong gia đình, như: Trẻ nhỏ chưa thể tự khai báo hoặc người già, người không đủ điều kiện sức khỏe trực tiếp khai báo. Khi thực hiện khai báo sẽ chịu trách nhiệm về tính trung thực.
Đề cập đến tình huống khi người khai báo không trung thực, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, với nghiệp vụ riêng, cơ quan chức năng sẽ phát hiện được các tình huống liên quan đến yếu tố dịch tễ, yếu tố nguy cơ. "Nếu việc khai báo không trung thực ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch thì người đó sẽ bị xử phạt theo đúng quy định", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, việc khai báo y tế được thực hiện với tất cả người dân trong nước, tương tự như áp dụng tờ khai y tế điện tử với các khách nhập cảnh đi, đến từ tất cả các quốc gia. Thông tin khai báo y tế lưu giữ trên hệ thống mạng, cơ quan thẩm quyền có thể tra cứu trực tuyến, là một trong những công cụ giúp kiểm soát các yếu tố liên quan đến diễn biến dịch. Khai báo y tế là phục vụ phòng, chống dịch, đòi hỏi sự tự giác, sự vào cuộc của mỗi cá nhân vì sức khỏe bản thân và cộng đồng. Khai báo trung thực giúp phát hiện sớm, giúp cách ly khoanh vùng ổ dịch kịp thời (nếu có ca bệnh), ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Ông Khổng Minh Tuấn cho rằng, Hà Nội sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu được tầm quan trọng của việc khai báo sức khoẻ toàn dân, từ đó sẽ có ý thức và trách nhiệm khai báo đúng, trung thực. Việc khai báo sức khoẻ toàn dân không chỉ là trách nhiệm chống dịch theo quy định mà còn là trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội trong việc phòng, chống Covid-19.