Các đại biểu bấm nút khai trương đoàn tàu liên vận quốc tế tại ga Cao Xá. (Ảnh: Tuấn Khải).
Đoàn tàu gồm 12 container chở lưu huỳnh, nhôm và sữa, đóng tại các nhà máy trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, sau khi về đến ga Yên Viên (Hà Nội) sẽ được kết nối vào các đoàn tàu liên vận quốc tế để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc VNR, sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác giai đoạn 1, ga Cao Xá trở thành ga hàng hóa trong mạng lưới vận tải hàng hóa bằng đường sắt, tham gia tích cực vào vận tải hàng hóa nội địa từ Hải Dương đi các tỉnh và ngược lại, đồng thời trở thành một mắt xích quan trọng, tham gia vào hành trình vận tải liên vận quốc tế.
Trong giai đoạn 2, khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, VNR sẽ tiếp tục nâng cấp, cải tạo ga Cao Xá đủ điều kiện là ga liên vận quốc tế, đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan số.
Khi đó, tại ga Cao Xá sẽ tổ chức khai thác 2 tuyến liên vận quốc tế gồm: Tuyến 1: Cao Xá-Yên Viên (Hà Nội)-Kép (Bắc Giang)-Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) rồi từ đây đi sâu vào nội địa Trung Quốc hoặc quá cảnh sang các nước Trung Á, Nga, EU.
Tuyến 2: Cao Xá-Lào Cai-Sơn Yêu (Hà Khẩu Bắc, Vân Nam, Trung Quốc) và chuyển đổi phương tiện đi sâu vào nội địa Trung Quốc.
Đặc biệt, sau khi nâng cấp, hàng hóa xuất, nhập khẩu có thể thực hiện được thủ tục hải quan ngay tại ga Cao Xá, vận chuyển bằng đường sắt liên vận đi tiếp đến các cửa khẩu biên giới để sang các nước, rút ngắn thời gian làm thủ tục, vận chuyển.
Đoàn tàu gồm 12 container xuất phát, tham gia hành trình liên vận quốc tế. (Ảnh: Tuấn Khải).
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, với hoạt động vận tải liên vận quốc tế tại ga Cao Xá, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics sẽ có thêm giải pháp vận tải tối ưu bằng đường sắt nhằm giảm chi phí và thời gian vận chuyển, tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, hợp tác quốc tế. Từ ga này, hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp sẽ được kết nối trực tiếp với đường sắt Trung Quốc và đường sắt các nước nằm trên tuyến vận tải đường sắt Á-Âu.
Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, Hải Dương nằm trong hệ thống tam giác kinh tế Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh. Theo quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh có 32 khu công nghiệp và trên 60 cụm công nghiệp. Đến nay, tỉnh có 550 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư hơn 20 tỷ USD, xếp thứ 11 trong cả nước. Ga Cao Xá nằm gần các khu công nghiệp, nên việc nâng cấp để vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển, rút ngắn thời gian giao hàng, gia tăng cung ứng các loại hình dịch vụ, góp phần tăng thu ngân sách của địa phương và liên vùng.
Tuấn Lương - Hà Nội mới