Đến thời điểm này, nhiều chuyến tàu, chuyến bay đến các địa phương du lịch trọng điểm đều đã “cháy” vé. Đường bộ có vẻ "dễ thở" hơn song cũng sẽ đông vào các ngày cao điểm đầu kỳ nghỉ lễ...
Các nhà xe tại Bến xe Giáp Bát đã sẵn sàng phương tiện phục vụ hành khách. Ảnh: Tuấn Khải
Khách qua các bến xe dự kiến tăng khoảng 350%
Theo dự báo của Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội, tại Bến xe Giáp Bát, lượng khách cao nhất rơi vào chiều 26 và ngày 27-4, với khoảng 20.000 lượt người/ngày, tăng 350% so với ngày thường. Đặc thù của bến xe là các tuyến có cự ly ngắn, hành khách đi lại chủ yếu vào ban ngày, lượng khách tăng tập trung chủ yếu các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa...
Tại Bến xe Gia Lâm, lượng khách trong các ngày cao điểm khoảng 8.000 lượt khách/ngày, tăng khoảng 300% so với ngày thường, chủ yếu tập trung ở các tuyến như Hải Phòng, Quảng Ninh...
Tại Bến xe Mỹ Đình, lượng khách trong các ngày cao điểm khoảng 22.000 lượt/ngày, tăng hơn 350% so với ngày thường, chủ yếu ở các tuyến đường Lào Cai, Hà Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Cao Bằng.
Dự báo, lượng khách từ các bến xe tại Hà Nội sẽ tập trung chủ yếu ở các chặng ngắn và đông vào các thời gian cao điểm đầu kỳ lễ. Sau đó, lượng khách sẽ giảm dần trong các ngày tiếp theo, tương đương các ngày thường và không vượt quá khả năng đáp ứng của các xe vận hành theo biểu đồ trên tuyến. Kể từ ngày 1 và sáng 2-5, hành khách chiều về Hà Nội sẽ tăng mạnh. "Trên cơ sở dự kiến lưu lượng, chúng tôi đã lên kế hoạch tăng cường 715 xe cho cả 3 bến. Số lượng xe tăng cường sẽ được phân bổ theo ngày, theo tuyến tùy thuộc vào sự gia tăng của luồng hành khách”, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội Phạm Mạnh Hùng thông tin.
Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định vận tải và bảo đảm chất lượng phục vụ hành khách của các đơn vị vận tải. Đồng thời, các bến xe tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xe chở quá tải, bán vé cao hơn giá quy định…
“Cháy” vé hàng không, đường sắt
Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ năm nay, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cung cấp khoảng 60.000 vé gồm cả tàu tăng cường và tàu chạy thường ngày. Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng đưa ra số vé tương đương phục vụ hành khách.
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên vào sáng 23-4, trên trang bán vé trực tuyến của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hầu hết các chuyến tàu đều đã “cháy” vé. Ví dụ, các tàu xuất phát từ Ga Hà Nội đi Quảng Bình và các tỉnh phía Nam vào các ngày 26 và 27-4, như SE1, SE3, SE5, SE19, QB1… đều đã báo hết chỗ. Các chuyến tàu từ Hà Nội đi Vinh (Nghệ An) trong ngày 26 và 27-4 cũng trong tình trạng tương tự. Ngay cả tàu Hà Nội - Lào Cai (tàu SP1, SP3) cũng không còn một chỗ trống. Hiện chỉ còn chỗ trên các đoàn tàu chạy cung đường ngắn giữa Hà Nội - Hải Phòng, Thanh Hóa…
“Dịp nghỉ lễ năm nay vé máy bay đắt nên gia đình tôi định mua vé tàu để đi du lịch Quảng Bình. Không ngờ đến giữa tháng 4-2024, việc mua vé tàu cũng trở nên khó khăn do nhu cầu của người dân tăng cao. Cuối cùng, chúng tôi quyết định sẽ tự lái xe ô tô cá nhân vào Đồng Hới”, anh Nguyễn Văn Hưng (quận Hà Đông) chia sẻ.
Đến ngày 23-4, nhiều đường bay nội địa có tỷ lệ đặt vé rất cao, thậm chí đã kín chỗ. Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, một số đường bay đã đạt 90-100% tỷ lệ đặt chỗ như: Hà Nội - Huế, Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Quảng Bình, Hà Nội - Nha Trang, Hà Nội - Tuy Hòa, Hà Nội - Điện Biên, thành phố Hồ Chí Minh - Đà Lạt, thành phố Hồ Chí Minh - Phú Quốc…
Theo khảo sát của phóng viên trên các trang bán vé trực tuyến, với các chuyến bay đến các vùng du lịch trọng điểm như: Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng..., nếu còn vé thì cũng rất ít và mức giá khá cao. Điển hình, đường bay Hà Nội - Phú Quốc ngày 26-4 của Vietnam Airlines có giá thấp nhất 4,4 triệu đồng/chiều; của Vietjet Air hơn 2,7 triệu đồng/chiều.
Với đường bay Hà Nội - Nha Trang khởi hành ngày 27-4, trở về ngày 3-5, bay Vietnam Airlines có giá gần 6,8 triệu đồng/vé khứ hồi; bay Bamboo Airways có giá hơn 5,3 triệu đồng/vé khứ hồi; bay Vietjet Air có giá hơn 6,4 triệu đồng/vé khứ hồi.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, qua kết quả thống kê tình hình đặt chỗ của các hãng hàng không trên các đường bay nội địa dịp này, tính chất di chuyển “lệch đầu” vào các giai đoạn cao điểm đã hình thành rõ nét. Các chuyến bay từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến các địa phương có tỷ lệ đặt chỗ cao vào thời gian bắt đầu kỳ nghỉ. Trạng thái tương tự cũng xuất hiện trên các đường bay từ các địa phương đến Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh khi kết thúc kỳ nghỉ.
Để bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các hãng hàng không tìm kiếm, bổ sung máy bay, thuê máy bay trong giai đoạn ngắn hạn; kéo dài thời gian khai thác đội máy bay, đặc biệt là tăng cường khai thác vào các khung giờ tối và ban đêm; tăng thời gian khai thác và rút ngắn thời gian quay đầu máy bay; tăng cường đưa máy bay thân rộng vào khai thác nội địa để bổ sung và tăng tải cung ứng.
Tuấn Lương - Hà Nội mới