Khẩu trang vẫn là một trong những phương pháp hữu hiệu trong phòng ngừa COVID-19 (Ảnh: AAP)
Một nhóm nghiên cứu quốc tế đến từ Đại học Công nghệ Chalmers (Thụy Điển), Đại học Padua và Đại học Udine (Italy) và Đại học Vienna (Áo) đã phát triển một mô hình lý thuyết mới để đánh giá kỹ hơn nguy cơ lây lan các loại virus như virus SARS-CoV-2 khi đeo khẩu trang và khi không đeo khẩu trang.
Nghiên cứu cho thấy một người nói chuyện mà không đeo khẩu trang có thể làm các giọt bắn chứa virus lan xa tới 1m. Nếu người này ho, các giọt bắn có thể lan xa tới 3m và nếu hắt hơi, khoảng cách có thể lên tới 7m. Tuy nhiên, nếu đeo khẩu trang, nguy cơ lây nhiễm giảm đáng kể.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm mô hình mới bằng cách sử dụng dữ liệu từ các thí nghiệm gần đây về lan tỏa giọt bắn, theo đó cho phép họ đưa một yếu tố vào tính toán và xác định cụ thể nguy cơ lây nhiễm bệnh khi đeo khẩu trang và khi không đeo khẩu trang.
Với điều kiện khẩu trang được đeo đúng cách, nguy cơ lây nhiễm bệnh là không đáng kể, cho dù ở khoảng cách gần chỉ 1m, bất kể trong điều kiện môi trường nào và cho dù có nói chuyện, ho hay hắt hơi.
Đại dịch COVID-19 đã gây hậu quả nặng nề về sức khỏe tâm thần (Ảnh: AP)
Trước đó, nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng khẩu trang vẫn là biện pháp phòng dịch hữu hiệu.
Nhóm chuyên gia tại hai Đại học Monash, Đại học Torrens ở Australia, Đại học Edinburgh ở Anh và Trường Y Đại học Chiết Giang ở Trung Quốc, đã phân tích 72 nghiên cứu. Các nghiên cứu này đánh giá tính hiệu quả của các biện pháp y tế công cộng nhằm giảm tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng như tỷ lệ tử vong vì COVID-19 tại Châu Á, Châu Âu, Mỹ, Nam Mỹ, Trung Đông, Châu Phi và Australia.
Trong số đó có 34 nghiên cứu về các biện pháp phòng dịch cá nhân, một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên và 37 nghiên cứu về các biện pháp y tế cộng đồng.
Qua phân tích, nhóm chuyên gia nhận thấy trong 8/35 nghiên cứu, tỷ lệ mắc COVID-19 giảm 53% ở những người đeo khẩu trang. Việc rửa tay cũng giúp giảm tương tự nguy cơ mắc bệnh song các chuyên gia cho rằng điều này không có ý nghĩa về mặt thống kê sau khi điều chỉnh một số lượng nhỏ các nghiên cứu.
Đại dịch COVID-19 đã gây hậu quả nặng nề về sức khoẻ tâm thần là nhận định mới được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra. Số trường hợp mắc các bệnh về tâm thần như lo âu và trầm cảm đã tăng tới hơn 25% trên toàn cầu.
Báo cáo được thực hiện dựa trên tổng hợp nhiều nghiên cứu, xác định chỉ riêng trong năm 2020, số ca mắc hội chứng rối loạn trầm cảm trên thế giới tăng 27,6%. Trong năm đầu tiên đại dịch xảy ra, số ca mắc chứng rối loạn lo âu trên toàn cầu tăng 25,6%
Theo chuyên gia về sức khỏe thần kinh của WHO Brandon Gray, xét về quy mô thì đây là mức tăng rất lớn.
Báo cáo chỉ ra đại dịch đã có tác động đáng kể tới sức khỏe tâm thần và đời sống của người dân. Những nơi ghi nhận tình trạng gia tăng cao nhất là nơi ghi nhận tỷ lệ ca mắc mới hằng ngày và tình trạng hạn chế di chuyển ở mức cao.
Trẻ em gái và phụ nữ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nam giới. Người trẻ, đặc biệt trong nhóm tuổi từ 20-24, chịu tác động nghiêm trọng hơn người cao tuổi.
Ngọc Ly - TTTĐ