Tập huấn PCCC cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa
Tại Hội nghị, đại diện một Cty cơ khí cho hay, sau khi tính toán phương án thiết kế và thi công, DN sẽ cần 1,5 tỷ đồng để xây dựng một nhà xưởng 2.000m2, trong khi làm theo trước nay chỉ khoảng 1,2 tỷ đồng. Phần tăng lên chủ yếu để đáp ứng các quy định mới về PCCC.
Từ thực tế đó, theo đại diện Hiệp hội các DN khu công nghiệp TP, trong quá trình soạn thảo các quy chuẩn, cơ quan chức năng cần xem xét khả năng chấp nhận của nền kinh tế, tức khi chi phí đầu tư bị đẩy lên cao, giá cả thị trường tăng vọt, liệu DN có đủ khả năng chi trả hay không. Vấn đề này càng cần phải cân nhắc kỹ trong bối cảnh “sức khỏe tài chính” của DN đều không tốt, trong khi thị trường chung cũng chưa hồi phục.
Tại Hội nghị, đại diện Phòng Cảnh sát PCCC, CNCH Công an TP cũng cho biết, chỉ trong giai đoạn 2020 - 2022 đã có 3 lần điều chỉnh quy chuẩn về PCCC. “Chúng tôi là cơ quan quản lý trực tiếp, thường xuyên làm việc, mà hệ thống quy chuẩn ban hành liên tục như vậy còn khó cập nhật, chứ đừng nói đến đơn vị tư vấn thiết kế thi công”, ông nói.
Dù vậy, ông cho hay Bộ Công an đã ban hành Công văn 1091 mới đây để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo đảm an toàn PCCC. Công an TP ngay sau đó cũng có Công văn 1678 để triển khai cụ thể cho các lực lượng. Điểm mới trong công văn này là cho phép cơ sở sản xuất xây dựng tại thời điểm nào thì áp dụng quy chuẩn PCCC tại thời điểm đó. Đồng thời, cơ quan này cũng rất hạn chế tạm đình chỉ, đình chỉ các cơ sở sản xuất kinh doanh, chỉ trừ các cơ sở karaoke có nguy cơ cháy nổ cao.
Đặc biệt, trong công văn lần này, việc thẩm định vật liệu xây dựng sẽ chuyển qua thẩm định đầu nguồn, tức ở phía nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và thẩm định theo lô, thay vì kiểm định ở đơn vị thi công như trước.
Ít ngày trước đó, Thủ tướng đã có công điện yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương rà soát chính sách, pháp luật về PCCC để kịp thời sửa đổi, bổ sung ngay theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Đẩy mạnh cải cách, cắt giảm mạnh thủ tục hành chính trong lĩnh vực PCCC, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển KTXH.
Phân loại cụ thể theo nhóm các công trình, cơ sở có khó khăn, vướng mắc trong việc khắc phục sau kiểm tra, rà soát; chủ động, kịp thời giải đáp, hướng dẫn đầy đủ, cụ thể chi tiết các quy định và giải pháp để cơ quan, tổ chức, DN, người dân khắc phục tổng thể các vi phạm, thiếu sót về PCCC của công trình, cơ sở, phục vụ có hiệu quả hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh, hoàn thành trước ngày 30/4/2023.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc về PCCC trong đầu tư xây dựng nhà và công trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, DN. Làm rõ nguyên nhân để có giải pháp bổ sung, sửa đổi theo thẩm quyền ngay những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh.
Khi từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các DN đều đã cùng nhìn nhận ra vấn đề; cùng góp ý và được tiếp thu lắng nghe những đề xuất hợp lý theo cách như trên; nhất định những tồn tại, vướng mắc trong lĩnh vực PCCC sẽ sớm được tháo gỡ, khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Minh Khang - Pháp luật Plus