Khi điều bất thường trở thành... bình thường
Kinhte&Xahoi
Hạ tầng giao thông thiếu, phương tiện gia tăng nhanh, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế... càng khiến cho ùn tắc giao thông tại Hà Nội trở nên trầm trọng. Đáng phê phán, tình trạng người tham gia giao thông theo kiểu “điền vào chỗ trống”, lấn làn, đi ngược chiều, đi trên vỉa hè... vốn là những hành động bất thường nhưng lại đang dần trở thành... bình thường. Đây là những “gam màu tối” cần sớm loại bỏ nhằm xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại.
Những hình ảnh không đẹp
Những ngày này, khi nhịp sống đã bình thường trở lại sau chuỗi ngày thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19 thì cảnh tranh giành đường, lấn làn, lấn chỗ... trên nhiều tuyến đường, phố của Thủ đô lại tái diễn.
Một hình ảnh không đẹp mỗi khi ùn tắc giao thông là nhiều người điều khiển xe máy chủ động xé làn đi sang phần đường ngược chiều, thậm chí thành cả đoàn dài nối đuôi nhau vi phạm không khó bắt gặp, nhưng việc xử lý chưa triệt để. Hay việc người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ khi vắng bóng Cảnh sát giao thông cũng diễn ra khá phổ biến.
Người đi xe máy đã vậy, ý thức của nhiều lái xe ô tô cũng rất kém. Nhiều tuyến đường nhỏ, hẹp nhưng ô tô vẫn dàn hàng ngang chiếm hết diện tích mặt đường khiến người đi xe máy không còn chỗ đi. Không đủ kiên nhẫn, người lái xe máy đã luồn lách vào bất kỳ chỗ nào còn trống, thậm chí "leo" lên vỉa hè để nhanh chóng thoát ra khỏi “bãi xe khổng lồ” này khiến cho ùn tắc giao thông càng thêm nghiêm trọng; giao thông trở nên hỗn loạn, không thể kiểm soát, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm.
Ông Phạm Dũng trú tại ngõ 347, phố Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng) bức xúc: “Trong lúc ùn ứ, nếu mỗi người cùng có ý thức, biết kiên nhẫn, nhường nhịn, di chuyển trật tự theo hàng lối thì đâu đến nỗi. Đằng này, chính vì lối tham gia giao thông theo kiểu “điền vào chỗ trống”, mạnh ai nấy đi đã dẫn tới tắc nghẽn, hỗn loạn. Từ bỏ những thói quen không đẹp này, lái xe mới là người tham gia giao thông thông minh, vừa giúp bản thân mình, vừa cùng cộng đồng lưu thông được thuận lợi, an toàn”.
Chú trọng xây dựng ý thức, văn hóa giao thông
Để khắc phục bất cập trong ý thức của người tham gia giao thông, liên ngành Giao thông - Vận tải và Công an thành phố Hà Nội đã triển khai hàng loạt giải pháp.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn, thời gian qua, thành phố đã quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống đèn tín hiệu giao thông; đồng thời chủ động điều tra, nắm bắt tình hình để bố trí lực lượng phân luồng, chỉ huy giao thông phòng ngừa ùn tắc tại các nút giao và các tuyến đường trọng yếu có lưu lượng phương tiện cao. Bên cạnh đó, thành phố cũng nghiên cứu điều chỉnh giờ học để giảm lượng phương tiện trong giờ cao điểm…
“Hiện nay, Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông của thành phố đang quản lý, khai thác hệ thống đèn chỉ huy, điều khiển giao thông tại 374 nút với 578 camera các loại (116 camera quan sát giao thông, 267 camera đo đếm lưu lượng phương tiện, 195 camera giám sát xử lý vi phạm)… Cùng với đó là tăng cường năng lực và trách nhiệm trong thực hiện công tác cưỡng chế của lực lượng thực thi công vụ”, ông Ngô Mạnh Tuấn chia sẻ.
Công tác tuyên truyền, xây dựng văn hóa giao thông cũng được các cơ quan chức năng chú trọng. Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố đã tăng cường giáo dục, phổ biến sâu, rộng Luật Giao thông đường bộ, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông dưới nhiều hình thức như: Phát hành bộ tài liệu giáo dục an toàn giao thông cho học sinh phổ thông; tổ chức các cuộc thi viết về an toàn giao thông thu hút hàng triệu lượt người dân Thủ đô tham gia; tuyên truyền qua hệ thống loa tại các nút giao thông trọng điểm…
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều giải pháp cũng như sự phối hợp giữa các đơn vị chưa đạt hiệu quả cao. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới ngày 30-5, Đại tá Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), nguyên Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội nêu ví dụ, việc khắc phục ùn tắc giao thông, trật tự đô thị tại cổng một số bệnh viện chưa được ngành Y tế quan tâm chỉ đạo sát sao. Tình trạng phương tiện dừng, đỗ đưa đón bệnh nhân và thân nhân diễn ra phổ biến, gây ùn tắc giao thông tại khu vực này.
Dù thành phố đã điều chỉnh giờ học giữa các khối, lớp nhưng việc tổ chức giao thông tại cổng các trường học trên địa bàn còn những hạn chế nhất định. “Hơn hết, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao nên tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn tái diễn ở nhiều nơi”, Đại tá Nguyễn Văn Viện nhận xét.
Vẫn biết, việc xây dựng ý thức, văn hóa giao thông không phải là việc một sớm một chiều có thể thực hiện được mà phải có thời gian. Vì vậy, tăng cường giáo dục pháp luật kết hợp với xử phạt nghiêm hành vi vi phạm, không để những hiện tượng bất thường trở thành… bình thường nêu trên cần phải được làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ, với sự chung tay của tất cả các ngành, các cấp và mỗi người dân Thủ đô.
(Còn nữa)