Tâm niệm như vậy nên cô Tuyết cũng như nhiều chị em phụ nữ khác ở phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) vẫn hằng ngày, hằng giờ đem tiếng nói, công sức của mình góp phần “giải quyết khó khăn” đó. Nhất là trong giai đoạn dịch bệnh, những việc mà các cô nói là “nhỏ bé, không đáng kể” lại hết sức ý nghĩa đối với người dân trên địa bàn.
Vườn rau được hô biến từ bãi rác lớn
Vườn rau COVID-19
Chúng tôi có dịp được gặp cô Tuyết khi cô đang cùng thành viên tổ COVID-19 cộng đồng hái những ngọn rau xanh để mang đến cho người dân bị cách ly vì dịch bệnh.
Không ai nghĩ rằng, giữa trung tâm Thủ đô “tấc đất tấc vàng” lại có vườn rau rộng thênh thang, xanh mướt đến thế.
Cô Tuyết chia sẻ: "Vườn rau này được chị em trong khu phố cải tạo từ bãi rác khổng lồ trước kia. Quan niệm "đất tốt thì cây mới tốt", các chị em trong phường học trồng cây và tham khảo thêm kinh nghiệm làm vườn.
Nhiều khi chị em cũng gặp phải cái lắc đầu của người qua đường “rau chả lên nổi với cái đất này, rồi thiết kế gì mà phức tạp, không biết làm được trò trống gì không". Điều đó lại các thôi thúc chị em chúng tôi có thêm động lực để cải tạo.
Sau khi tốn kha khá công sức và tiền bạc, bãi rác nay đã biến thành vườn rau xanh “ăn không hết”. Rau tự trồng, tự chăm nên rất ngọt. Vườn có nhiều loại rau: Cải ngọt, cải xanh, mồng tơi, xà lách… không sửa dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích lại được chị em chăm bón đúng quy trình".
Được biết, vườn rau này đã phát huy hiệu quả rất tích cực trong những ngày F0 “bùng phát” trên địa bàn Hà Nội. Thay vì phải đi chợ mua rau xanh hằng ngày “tiếp tế” cho F0 tại nhà, thì các thành viên tổ COVID-19 cộng đồng lại ra vườn hái rau mang đến cho người dân gặp khó khăn.
Cô Tuyết và thành viên tổ COVID-19 cộng đồng "ship" rau đến tận nhà F0
Chắc hẳn chị Bùi Thị Tuyến chưa quên được những ngày tháng cả gia đình bị F0. Cả nhà có 7 người thì cả 7 người đều dương tính với SARS-CoV-2. Người lớn nhất đã 92 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 2 tháng tuổi. Bản thân chị Tuyến còn trẻ nhưng lại không có việc làm ổn định. Hoang mang trong lúc khó khăn dịch bệnh đó, chị Tuyến được cô Nguyễn Thị Tuyết, tổ trưởng tổ dân phố số 1, Tổ trưởng tổ COVID-19 cộng đồng khu dân cư số 1 và các thành viên trong tổ dân phố, tổ COVID-19 cộng đồng giúp đỡ nhiệt tình.
Hằng ngày, chị Tuyến đều nhận được những bó rau xanh, hay cân thịt, con cá, gọi điện hỏi thăm sức khỏe…
Chỉ trong một thời gian ngắn, sức khỏe của các thành viên trong gia đình chị Tuyến đã ổn định, vơi bớt khó khăn.
Không chỉ riêng gia đình chị Tuyến mà hàng chục hộ gia đình bị F0 không có khả năng tự chăm sóc, cách ly tại nhà đã được chị em phụ nữ trong tổ COVID-19 cộng đồng khu dân cư số 1 và nhiều khu dân cư trong địa bàn phường cũng được quan tâm, giúp đỡ lúc khó khăn như vậy.
Cô Tuyết trải lòng: "Tổ COVID chỉ có 18 thành viên, phân làm 8 tổ nhỏ hơn để theo dõi, giúp đỡ gần 500 hộ gia đình với khoảng 2.000 nhân khẩu, gồm rất nhiều người nhập cư, ở trọ. Số nhân khẩu này đông thứ nhì của phường Phúc Xá. Vì thế, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, chúng tôi phải có nhiều biện pháp riêng, phù hợp nhằm phát huy hiệu quả".
Linh hoạt, bám sát, ai cũng là “pháo đài”
Đó là chia sẻ của bà Trần Thị Tố Tâm, Bí thư Đảng uỷ phường Phúc Xá khi nói về công tác hỗ trợ, phòng chống COVID-19 của phường. Bà Tâm đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các chị em phụ nữ của 9 tổ COVID-19 cộng đồng ở 9 địa bàn dân cư.
“Ngay từ những ngày F0 triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà, các thành viên của tổ COVID-19 cộng đồng đã có nhiều biện pháp thiết thực: Chia thành tổ quản lý nhỏ, lập nhóm zalo có đại diện thành viên mỗi hộ, thành lập tổ tư vấn hỗ trợ F0 tại nhà…
Mọi việc được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, trách nhiệm cao, bởi thời gian này dịch bệnh bùng phát ở Hà Nội, nên mọi diễn biến dịch trên địa bàn phải được bám sát, linh hoạt, mỗi cán bộ, tình nguyện viên… là một pháo đài”, bà Tâm nói.
Thành viên tổ COVID-19 cộng đồng phường Phúc Xá hỗ trợ tại điểm tiêm chủng vắc xin
Giữa lúc đang đảm nhiệm vai trò ở điểm tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19 trên địa bàn phường, cô Tuyết luôn chân luôn tay, dường như không có lúc nào được nghỉ. Nào thì tiếp nhận phiếu tiêm, lúc lại ra bàn gọi từng người dân vào bàn tiêm, khi thì cô nghe điện thoại động viên, tư vấn F0 ở nhà.
Cô Tuyết cho rằng, mỗi ngày với cô đều rất ý nghĩa. Cảm thấy giúp được ai là cô giúp ngay không nề hà. Trong lúc khó khăn dịch bệnh thế này, ai cũng cần một “bờ vai”, nhất là những người nhập cư, không có họ hàng thân thích.
Cô chia sẻ cách làm đơn giản mà khá hiệu quả để quản lý ca bệnh, biến động dân cư trong tổ. Theo đó, 8 tổ nhỏ trong khu phố số 1 sẽ lập riêng nhóm Zalo, đại diện từng gia đình tham gia trong nhóm sẽ có trách nhiệm thông báo tình hình gia đình nếu có vấn đề về sức khoẻ và báo cáo di biến động của “hàng xóm”. Với những người thuê trọ sẽ quản lý theo chủ nhà trọ với phương châm không bỏ sót người dân nào bị F0 mà không được quan tâm.
Trong giai đoạn chống dịch mới, Hà Nội ghi nhận hàng chục nghìn ca F0 trong một ngày, hệ thống y tế quá tải, lực lượng chức năng không thể đảm nhận được hết công việc. Chính vì vậy, những người như cô Tuyết hay các thành viên trong hệ thống chính trị từ cấp cơ sở lại là những “pháo đài” vững chắc san sẻ trách nhiệm với cộng đồng.
Hoa Thành - TTTĐ