Bài 1: Theo chân heo lậu ra chợ đầu mối
Chúng tôi lần theo các miệng cống xả ra con suối dân sinh nằm trong khu dân cư phường Long Bình, TP Biên Hòa để tìm đến một loạt các lò mổ heo lậu. Không khó để tìm đến các điểm giết mổ vì tại đây, nước thải ra đỏ ngầu màu máu, phân heo và một loạt chất thải đã bức tử môi trường sống của một trong những địa phương đông dân nhất thành phố công nghiệp này.
Hàng chục con heo không rõ nguồn gốc được thu gom từ nhiều nguồn khác nhau để giết mổ.
Thâm nhập trung tâm giết mổ heo lậu
Đầu tháng 6/2020, tại tổ 2, khu phố 6, phường Long Bình, phóng viên nhiều ngày trong vai một người đi phụ mổ heo thuê để ghi lại quy trình của một buổi mổ heo bên trong các cơ sở giết mổ tự phát khiến người dân bức xúc lâu nay.
Một ca mổ heo lậu bắt đầu từ 12h đêm và kết thúc khi trời hửng sáng. Trong không gian chật hẹp, gần 10 ô chuồng heo cũ được chủ lò tận dụng làm nơi giết mổ. Trong mỗi chuồng, hàng chục con heo nặng hàng trăm kg nằm la liệt chờ các đồ tể ra tay.
Nguồn gốc, chất lượng và dịch bệnh của đàn heo là điều mà không ai có thể khẳng định khi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con heo đem giết mổ mỗi tối được các chủ lò thu gom từ nhiều nguồn khác nhau.
Cảnh nhớp nhúa, mất vệ sinh trong một lò mổ heo lậu.
12h khuya, heo được kẹp điện giật cho đổ gục, chọc tiết, quăng vào vạc nước sôi. Chỉ gần 10 phút, con heo được thợ giết mổ hoàn tất, nằm la liệt dưới sàn chờ đầu nậu vào thu mua đem đi tiêu thụ.
Đập mắt chúng tôi là cảnh tượng rùng rợn trong các điểm mổ lậu khi mà heo mổ xong được bày la liệt trên sàn nhà nhớp nhúa với phân, lông, máu và các loại chất thải không được thu dọn. Nội tạng mổ xong không được vệ sinh theo quy trình mà chỉ đấu nối vào ống nước để loại bỏ chất thải. Đáng nói hơn, hai vạc sắt rỉ sét nấu nước sôi để làm lông heo cũng đồng thời là nơi dùng để luộc huyết.
Đáng nói, nguyên nhân dẫn đến môi trường sống của hàng ngàn hộ dân bị ô nhiễm nghiêm trọng chính là chất thải từ các lò mổ xả thẳng xuống con suối dân sinh. Một số người dân bức xúc cho hay, mỗi khi trời mưa to, nước từ suối tràn lên nhà dân tanh tưởi mùi máu, kèm theo đó là lông heo và các loại nội tạng trương sình.
Heo lậu được người dân đem đến chợ đầu mối Tam Hòa tiêu thụ.
Theo chân heo lậu ra chợ đầu mối
Nằm cách trung tâm giết mổ heo lậu của TP Biên Hòa là chợ đầu mối gia súc Tam Hòa. Đây là nguồn tiêu thụ chính của hàng ngàn con heo được giết mổ trái phép từ phường Long Bình.
Sau nhiều ngày đeo bám, chúng tôi ghi lại cảnh vận chuyển heo lậu nhộn nhịp mỗi đêm. Đó là vào khoảng 1h sáng trở đi, từ các con hẻm nhỏ, heo giết mổ xong chất lên xe máy, được một xe máy khác áp tải chạy trước dẫn đường hướng về chợ đầu mối.
Các loại chất thải từ các lò mổ heo lậu được xả thảng ra con suối dân sinh, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Theo đó, con heo nặng gần 1 tạ nằm vắt vẻo ngang xe máy, được những người đàn ông mình trần, không đội mũ bảo hiểm chạy với tốc độ cao, xuyên qua vòng xoay Tam Hiệp, chạy ngược chiều trên QL1A rồi đâm vào hẻm dân sinh để đến với chợ Tam Hòa tiêu thụ.
Nhiều người dân buôn bán tại đây cho biết, vì sợ bị cơ quan chức năng bắt giữ nên mỗi tối, hàng trăm chuyến xe chở heo, chạy ngược chiều với tốc độ 70 đến 80 km/giờ gây nguy hiểm cho người lưu thông trên tuyến đường này.
Tình trạng giết mổ heo lậu trên địa bàn phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vẫn diễn ra ngang nhiên, bất chấp các quy định của nhà nước về kiểm dịch, về vệ sinh an toàn thức phẩm. Đáng nói hơn, trong khi thị trường thịt heo đang tăng cao sau đợt dịch tả lợn châu Phi thì ở đây, các lò mổ lậu vẫn cung cấp ra thị trường một lượng lớn thịt heo không rõ nguồn gốc, không chịu bất kỳ một sự kiểm soát nào từ giá cả đến chất lượng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh thực trạng đáng báo động này.
Hiếu Nghĩa – Huỳnh Phúc – Công Trọng