Khoan dung - Cảm thông - Nhân ái
Kinhte&Xahoi
Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc Vesak 2019 chính thức khai mạc hôm qua. Đây là sự kiện văn hóa, tâm linh lần thứ 3 được tổ chức ở Việt Nam với số lượng quốc gia tham dự nhiều nhất, nhiều tham luận nhất.
Toàn cảnh khai mạc Đại lễ Phật đản Liên Hợp quốc Vesak 2019.
Với chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, Vesak 2019 có sự tham gia của gần 3.000 đại biểu chính thức, trong đó có 1.650 đại biểu quốc tế đến từ 112 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây cũng thể hiện sự tín nhiệm, tự hào Việt Nam khi lần thứ 3 được đăng cai Vesak.
Vesak thể hiện mạnh mẽ quyết tâm của Liên Hợp quốc vì thế giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác, phát huy những giá trị tích cực của đạo Phật cùng nhau xây dựng thế giới hoà bình, dù các dân tộc, quốc gia có sự khác nhau về ngôn ngữ, truyền thống. Điều này rất có ý nghĩa trong một thế giới hòa bình nhưng chứa đựng nhiều yếu tố bất ổn như hiện nay.
Vesak là dịp để mỗi người cùng tĩnh tâm chiêm nghiệm lời Phật dạy, cùng nhau tìm ra giải pháp, kiến tạo thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. Điều này có ý nghĩa như một thông điệp trong một thế giới đang chuyển động, đan xen giữa tích cực và tiêu cực.
Trong thời đại mà sự bất an và bất ổn toàn cầu đang ngày một gia tăng, thì các giáo lý của đức Phật về sự bình đẳng, tôn trọng và hiểu biết ngày càng cần thiết đối với tất cả những ai muốn xây dựng một thế giới hài hòa và an bình hơn.
Đức Phật đã dạy phật tử sống một đời đạo đức và tâm linh, đi theo con đường cao quý sẽ dẫn đến thoát khỏi đau khổ trần tục. Đức Phật cũng dạy phật tử tu tập lòng từ bi, trách nhiệm đạo đức, tánh khoan dung và trí tuệ trong đời sống hàng ngày. Cùng với những phẩm chất này, một sự hiểu biết về bản chất thực sự của sự vật sẽ hướng dẫn phật tử đến mối quan hệ đúng đắn giữa bản thân và người khác và sự hòa hợp và hòa bình sẽ hiện thực trong thế giới của hiện tại.
Ảnh Phatgiao.org.vn
"Chúng ta cùng tưởng niệm, tôn vinh Đức Phật, suy ngẫm về chân lý hoà bình, tinh thần khoan dung, lòng từ bi, phát huy chân lý đó vào cuộc sống, giải quyết xung đột, để góp phần giúp các quốc gia, dân tộc phát triển", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự khai mạc cũng đã nói lên mong muốn, hy vọng của người đứng đầu Chính phủ.
Rõ ràng, để có một thế giới tốt đẹp, mỗi phật tử phải là một sứ giả của Đức Phật để hiện thực hoá thông điệp hoà bình, yêu thương vào cuộc sống, góp phần hoá giải xung đột, khổ đau, để mọi người được sống yên vui. Khoan dung, thông cảm, nhân ái là những giá trị trường tồn.
Theo Pháp luật Plus