Ảnh minh họa
Ông đã biến cái chỗ tắm táp trần tục thành đài các, cái rèm che thành “trướng hồng”, động tác dội nước tắm là “tẩm hoa” và những ngọc ngà hiện lên một “tòa thiên nhiên” rực rỡ. Ngay cả cái cụm từ “dày dày sẵn đúc” cũng trở nên gợi cảm khiến người ngồi xem cảnh đó là chàng Thúc “càng tỏ nét, càng khen”.
Như vậy, khỏa thân và khoe thân có gì là phản cảm đâu. Vấn đề ở chỗ là khỏa ở đâu và khoe với ai mà thôi. Xin lưu ý rằng trải qua mấy trăm năm, Truyện Kiều mà ngay cả những bậc túc nho nghiêm cẩn nhất cũng chưa bao giờ coi cái việc Thúc Sinh xem Kiều tắm là hành vi thô tục cả, chàng ấy vẫn hào hoa và thư sinh, lãng tử chứ đâu phải là người trụy lạc. Điều này có thể lý giải tất tần tật những người đàn ông có sở thích ngắm phụ nữ khỏa thân dù trong tranh cũng như đời thực. Không ai cho rằng họ dâm đãng hay trụy lạc.
Trở lại với chủ đề hiện thực ngày hôm nay khi hiện tượng khỏa thân, khoe thân ngày càng nhiều, từ cố ý “lộ hàng” trên sân khấu hay chủ ý khoe thân dưới đầm sen, từ “mặc như không mặc” trên thảm đỏ liên hoan phim đến những đồ lót mỏng dính thêu ren lồ lộ dưới ánh đèn biểu diễn, từ tắm ao một nhóm người đến tắm biển đông nghịt ánh mắt nhìn, đều là những cơ hội để nhiều phụ nữ diện đồ “nuy”.
Có những ý kiến trái chiều về hiện tượng này. Một số nhà đạo đức phản ứng quyết liệt, cho đó là một sự dung tục trơ trẽn, cộng đồng mạng cũng xúm vào “ném đá” không thương tiếc. Ở chiều ngược lại, một số ra sức bảo vệ, cho đó là cái đẹp tự nhiên và tự thân khi phô bày ra để mọi người chiêm ngưỡng thì có gì là phản cảm đâu. Phản cảm là do chính cái sự cảm nhận của anh thôi, đầu óc anh toàn nghĩ chuyện bậy bạ, thậm chí còn không biết rung động trước vẻ đẹp... Các ý kiến trung dung thì gật gù, “nuy” chẳng xấu nhưng mức độ thôi…
Tất nhiên, khi ta ngắm nhìn người phụ nữ khỏa thân, dù “nuy” ở đời thực hay trong tranh ảnh thì không phải ai cũng có “cảm xúc thăng hoa” hay “con mắt nghệ thuật” cả. Có thể nảy sinh ý nghĩ nhục dục và ham muốn, vốn là thuộc tính của con người. Nên nhớ, một trong những nguyên nhân gây ra tội phạm hiếp dâm là do chính sự hở hang của phụ nữ, khoa học tội phạm đã đúc kết như vậy. Nhưng, vấn đề là cách điều khiển hành vi ứng xử của mỗi con người, biết thế nào là đúng, tôn trọng các chuẩn mực đạo lý.
Quả thật, có những cái “nuy” rất phản cảm. Cùng là “khoe thân” đấy nhưng cái nào đẹp thì phô ra, cái khiếm khuyết phải đậy điệm lại chứ. Đằng này, khoe cả thì ai mà chịu được. Dẫn chứng như các phụ nữ lớn tuổi, thân hình không còn đẹp mà vẫn ra vẻ hồn nhiên tháo bỏ xiêm y để bước xuống hồ sen vậy.
Hoặc trên tấm thảm đỏ tôn vinh những ngôi sao điện ảnh, trong dạ tiệc sang trọng mà ăn mặc như một vũ nữ múa cột thì gây nên sự chướng tai, gai mắt là lẽ đương nhiên. Chiếc váy đầm dạ hội lịch lãm và không kém phần khêu gợi cũng như bộ đồ bi-ki-ni tắm biển tôn những đường cong tuyệt mỹ thì tại sao không sử dụng trong những hoàn cảnh thích hợp mà cứ phải lõa thể, khoe thân?
Tựu trung, không phải đạo lý hay thuần phong mỹ tục mà xuất phát từ cảm quan và trực giác của mỗi con người, việc khoe da thịt, ăn mặc hở hang ở nơi công cộng đều không thể chấp nhận được. Công chúng cảm thấy bị xúc phạm khi buộc phải chứng kiến sự khoe thân dung tục.
Một hình ảnh có thể thay lời kết luận cũng như tỏ thái độ về chuyện này là khi cô nữ ca sỹ xuất hiện hở hang trên sân khấu thì bà mẹ lấy tay che mắt thằng bé con mình. Thế thôi, có thể hạ màn những dung tục, tầm thường được ngụy trang bằng cái gọi là nghệ thuật gợi cảm.