Nhân dân Sài Gòn chào đón Quân giải phóng tiến vào thành phố, ngày 30/4/1975. (Ảnh: tư liệu TTXVN)
Mốc son sáng chói
Vào lúc 11h30 ngày 30/4/1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, đánh dấu thời khắc lịch sử kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kết thúc thắng lợi 30 năm trường kỳ gian khổ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc, người Việt Nam đã làm nên những chiến công hiển hách, tiêu biểu như chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đặt dấu chấm hết cho sự đô hộ của thực dân Pháp ở Đông Dương, chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm tháng 12/1972 không những đập tan âm mưu đưa Hà Nội và miền Bắc xã hội chủ nghĩa “trở về thời kỳ đồ đá” mà từ đây thành phố Rồng bay trở thành “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, và Đại thắng mùa xuân 1975 kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam kéo dài 30 năm đồng thời làm phá sản chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ...
Chính vì thế, chiến thắng 30/4/1975 không chỉ là một mốc son chói ngời trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn là một bản anh hùng ca bất hủ của nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta từ xưa đến nay. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”. Xuyên suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã phải đương đầu với biết bao cuộc xâm lăng của các thế lực ngoại bang nói riêng cũng như đe dọa nguy nan của thiên tai, địch họa nói chung. Và lịch sử cũng chứng minh, chính tinh thần yêu nước, đoàn kết ấy đã làm nên sức mạnh giúp dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn thử thách, không những không chịu khuất phục mà còn đương đầu, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ địch hung hãn, bạo tàn.
Đại thắng mùa xuân 1975 cũng bắt nguồn từ truyền thống yêu nước, khát vọng độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước và đặc biệt là tinh thần đoàn kết của người Việt Nam. Nêu cao chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân - cội nguồn làm nên sức mạnh dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại - đoàn kết quốc tế, tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các lực lượng cách mạng, tiến bộ trên thế giới, để thực hiện thắng lợi đường lối chiến lược: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”!
Trong 47 năm qua, bài học tinh thần của chiến thắng 30/4/1975, đặc biệt là truyền thống yêu nước, đoàn kết ngày càng được phát huy chính là nhân tố làm nên sức mạnh nội lực để người Việt Nam hàn gắn vết thương chiến tranh, vượt lên mọi khó khăn, thách thức của bao vây cấm vận, thúc đẩy phát triển, xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” theo đúng di nguyện của Người. Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết chính là động lực giúp chúng ta đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng trong công cuộc đổi mới và hội nhập, giữ vững độc lập và chủ quyền lãnh thổ, ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, phát triển đất nước toàn diện, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế...
Từ chiến thắng 30/4 đến thực hiện mục tiêu “kép”
Tinh thần Chiến thắng 30/4 đã và đang cổ vũ, thôi thúc mỗi người dân Việt Nam ý chí quyết chiến, quyết thắng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn lên giành những thắng lợi mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay.
Hình ảnh một góc Hà Nội
Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đoàn kết luôn là truyền thống quý báu, nguồn sức mạnh, động lực quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi.
Trong trận chiến chống dịch COVID-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc," Đảng, Chính phủ Việt Nam đã sớm kêu gọi Nhân dân đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.
Nhờ sự huy động kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của Nhân dân, việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã diễn ra ở quy mô chưa có tiền lệ. Đến nay, Việt Nam đã khống chế và từng bước đầy lùi dịch bệnh, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Bên cạnh đó, với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện vận động, ủng hộ; Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều câu chuyện đẹp và cảm động đã được lan tỏa. Chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ những quyết sách của Đảng và Chính phủ, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành chức năng và Nhân dân. Trong khó khăn, thử thách, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt càng tỏa sáng.
Bước sang năm 2022, quá trình hồi phục nền kinh tế có thêm những tín hiệu hết sức tích cực, mặc dù bối cảnh tình hình có những diễn biến mới phức tạp, đột xuất, bất ngờ, khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi, sức ép lạm phát trong và ngoài nước rất lớn.Tăng trưởng GDP quý I đạt 5,03%, đạt mức cao nhất so với quý I của các năm 2020-2021, đáng chú ý là khu vực dịch vụ tăng 4,58%, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ các năm này. Các chuyến bay thương mại quốc tế đã được mở lại từ 15/02, hoạt động du lịch được mở lại hoàn toàn từ ngày 15/3.
Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ trong tháng 3, tăng 45,5% so với tháng trước, tính chung quý I tăng 12,9% so với cùng kỳ; xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 50,5% so với tháng trước, tính chung quý I tăng 22% so với cùng kỳ, gấp 2,2 lần tốc độ tăng của khu vực FDI (10%).
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức và đạt được kết quả ấn tượng nêu trên là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp và thường xuyên là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã kịp thời thay đổi tư duy và biện pháp phòng chống dịch, chuyển hướng linh hoạt trong điều kiện khó khăn; Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng tình, hưởng ứng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp; Sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế, sự đoàn kết và hỗ trợ của các nước, các tổ chức, cá nhân ở khắp nơi trên thế giới về vắc xin, thuốc điều trị, vật phẩm y tế vào đúng thời điểm Việt Nam đang gặp khó khăn nhất.
Thủ tướng thường xuyên nhắc nhở các cấp, các ngành, các địa phương, rằng người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển, mọi cơ chế, chính sách phải vì người dân, doanh nghiệp và người dân, doanh nghiệp phải tích cực tham gia thực hiện mọi chủ trương, cơ chế, chính sách.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta làm việc gì, từ chống dịch, tiêm vắc xin, làm cầu, làm đường, phát triển kinh tế… thì mục đích cuối cùng vẫn là phục vụ Nhân dân. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Chúng ta phải chống dịch thành công, đến hết quý I mở cửa toàn bộ nền kinh tế an toàn và thực hiện đa mục tiêu: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Tất cả vì mục tiêu đất nước hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Tầm nhìn này đang được hiện thực hóa, được thúc đẩy mạnh mẽ.
Phát huy hào khí đại thắng lịch sử 30/4/1975, chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5) vĩ đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành năng động của Chính phủ, các cấp chính quyền, sự đoàn kết một lòng của Nhân dân, chúng ta sẽ thực hiện thành công “mục tiêu kép”, để biến mục tiêu “quốc gia hùng cường” thành hiện thực.
Anh Đức - TTTĐ