Chưa khi nào tổ dân phố 16, 17, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) lại tang tóc, đau thương như những ngày này. 8 học sinh chết đuối khi tắm sông Đà - không ai cầm được nước mắt khi các em ra đi ở tuổi đời còn quá trẻ, còn bao ước mơ, hoài bão dở dang phía trước.
Di ảnh, bàn thờ em Nguyễn Bình Minh. Một người họ hàng phải đứng ra chịu tang.
Hôm nay, các em sẽ được gia đình đưa đi an táng. Hàng xóm, bạn bè, thầy cô lần lượt đến chia tay các em.
"Đại tang cả phố, chúng tôi chạy mỗi nhà một tí, 8 đứa cơ mà", một người dân đau xót than thở.
Đám tang buồn nhất khu phố
Trong số 8 học sinh đuối nước, gia cảnh của em Nguyễn Bình Minh (SN 2004) thuộc diện khó khăn nhất.
Tấm cáo phó dán đầu ngõ. Bác của em, ông Nguyễn Mạnh Cường là người thay mặt gia đình đứng ra lo hậu sự cho em. Người chịu tang thay cũng là người anh em họ hàng.
Bà Nguyễn Thị Cao (65 tuổi, bà ngoại em Minh) khóc suốt từ lúc cháu mất. Sáng nay, từng đoàn người ra vàng phúng viếng đều tiếc thương cho số phận hẩm hiu của cậu bé 15 tuổi.
Tiếng khóc than từ ngôi nhà tuềnh toàng khiến những người đến viếng không khỏi xót xa. Đứng cạnh di ảnh và chiếc quan tài đóng vội, bà Cao tâm sự: "Khuya hôm qua cháu mới được khâm liệm vì chờ mẹ nó từ Hà Nội về nhìn mặt con lần cuối".
Minh sống với bà từ nhỏ. Hai bà cháu nương tựa vào nhau để sống qua ngày. Mẹ của Minh là mẹ đơn thân, đã có gia đình mới.
Minh không biết bố mình là ai. Đám tang của em ai đến cũng không cầm được nước mắt....
Bà Nguyễn Thị Cao nức nở trước sự ra đi đột ngột của cháu ngoại
“Hai bà cháu nương tựa vào nhau mà sống. Tôi đi rửa bát thuê cho nhà hàng để nuôi Minh ăn học. Thằng bé thương bà, hiểu hoàn cảnh gia đình nên giúp đỡ tôi công việc nhà. Nó thông minh và ngoan lắm. Có lần Minh nói, sau này lớn lên nhất định sẽ về quê tìm bố. Nó cũng không trách khi mẹ đi bước nữa”, bà Cao nghẹn ngào.
Minh đá bóng rất giỏi, thường xuyên được gọi đá bóng ở phường và thành phố. Ước mơ của Minh là trở thành cầu thủ bóng đá.
Bà Cao sụt sùi: “Tôi dự định năm sau xin cho cháu vào đội tuyển bóng đá để học tập. Hôm 20/3, thằng bé còn dặn tôi phải mua bằng được bộ quần áo cầu thủ đóng đá. Hôm mặc thử Minh còn khoe với tôi. Không ngờ lần mặc đầu tiên của cháu cũng là lần cuối cùng”.
Bạn bè cùng lớp đến viếng em Minh.
Cách đó vài km, gia đình các nam sinh Nguyễn Đức Huy, Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Mạnh Hùng cũng chung nỗi đau mất con. Cả ba bà mẹ cứ ôm khư khư linh cữu con trai, chẳng muốn rời, cũng chẳng thiết ăn uống.
"Các con đã ngủ giấc ngàn thu, để lại nỗi đau xót cho những người ở lại...", tiếng loa đọc văng vẳng dọc con phố.
Đoạn sông "tử thần'', biển cảnh báo bị nhổ bỏ
Đoạn sông nơi 8 nam sinh gặp nạn là khúc cua của sông Đà, rộng chừng 600 mét, cách thủy điện Hòa Bình khoảng 2km, có những chỗ sâu đột ngột do hậu quả của việc hút cát để lại. Nếu ai không quen địa hình sẽ rất dễ sa chân vào những hố này và dẫn đến bị đuối nước.
Vào mùa hè, chính quyền địa phương cũng cắm biển cấm tắm tại khu vực này.
Khu vực bãi sông nơi 8 em gặp nạn.
Sông Đà cho người dân sinh sống dọc hai bên bờ nhiều tôm, cá nhưng hầu như năm nào cũng có người chết đuối. Điều đáng tiếc nhất là xoáy nước hôm qua không quá mạnh nhưng các em xuống tắm sớm nên vụ tai nạn mới xảy ra bởi chỉ chậm thêm một giờ nữa, sẽ có nhiều người lớn ra đây tắm hoặc tập thể dục.
Cô Hoàng Thị Hà, giáo viên trường Tiểu học Hữu Nghị cho hay, nhà trường chỉ dạy chính khóa buổi sáng, buổi chiều các em học tự do. Các em gặp nạn đều là bạn cùng trường lại gần nhà nhau nên chơi rất thân.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Bình, Phó chủ tịch UBND phường Thịnh Lang cho biết, chính quyền từng cắm nhiều biển cảnh báo, cấm tắm tại khu vực các cháu gặp nạn. Tuy nhiên, một số biển bằng kim loại đã bị người dân nhổ đi còn biển kiên cố mới bị nước lũ cuốn trôi.
Bà Bình cũng cho biết UBND phường thường xuyên gửi văn bản về các tổ dân phố nhắc nhở về nguy cơ đuối nước ở trẻ; Đoàn thanh niên nơi đây cũng có dạy bơi, kỹ năng sống cho học sinh đồng thời yêu cầu các gia đình ký cam kết phòng chống tai nạn cho các em trước những dịp nghỉ hè...
Trên địa bàn chưa hề có vụ đuối nước thương tâm như lần này. “Đây thật sự là việc quá thương tâm. Tôi mong đây sẽ trở thành bài học, thành tiếng chuông cảnh tỉnh cho gia đình, nhà trường và chính quyền cần để ý nhiều hơn đến các em”, bà Bình nói.
Căn nhà nghèo, đám tang em Nguyễn Bình Minh thưa vắng
Trường THCS Hữu Nghị chịu đại tang khi có đến 6 học sinh của trường gặp nạn
Từng đoàn học sinh lần lượt đi viếng từ đầu đến cuối ngõ.
Mỗi khi vào nhà các bạn, em nào em nấy cũng khóc nức nở
Khúc sông "tử thần" nơi 8 nam sinh gặp nạn.
Hầu như năm nào ở đây cũng có người chết đuối
Những ngày này nước sông cạn, tuy nhiên do có xoáy nước mạnh nên 8 em đã không thoát khỏi "tử thần"
Theo Vietnamnet/GĐ&PL