Sách giáo khoa lớp 1 do nhóm Cánh Diều biên soạn có nhiều sai sót.
Không nhận sai, nhưng lạ một nỗi là chính nhà xuất bản xuất bản ra sản phẩm lỗi đó lại đứng ra sửa chữa bằng cách đính chính hoặc thay thế cả bài.
Không sai sao phải đính chính? Đã cho ra một sản phẩm không đủ chất lượng, khi phải khắc phục, sửa chữa chắp vá đã không xin lỗi, bồi thường cho người tiêu dùng thì chớ lại liên tục nhắc nhở là cái đính chính này là “miễn phí”.
Dư luận xã hội lại một phen bức xúc với cái kiểu ứng xử đầy vẻ trịch thượng, tỏ ra không vụ lợi này.
Đúng nhất, một sản phẩm không đảm bảo chất lượng thì phải thu hồi, hủy bỏ, bồi thường cho người mua, chứ không phải sửa chữa nhì nhằng, “bảo hành miễn phí” như thế này, đặc biệt, đây là sản phẩm đặc biệt, là sách giáo khoa, tác động trực tiếp nên việc hình thành nhân cách trẻ em, không thể chắp vá để rồi lại tạo nên một thế hệ sở hữu nhân cách chắp vá. Như vậy là có tội với tương lai đất nước, có tội với tiền nhân.
Thái độ ứng xử đó lại thuộc về những người có học, thậm chí là những nhà giáo dục có học hàm, học vị, gây ra không chỉ là những phản ứng bất bình từ dư luận mà còn tác động rất lớn đến niềm tin vào một nền giáo dục đương đại, đặt dấu hỏi về sự đúng đắn của nền giáo dục này.
Cũng thể hiện sự “cố đấm ăn xôi” tương tự nhưng không phải là các giáo sư mà là ông chủ một thủy điện ở Thừa Thiên - Huế. Chính quyền không cho tích nước vẫn cứ tích nước, chưa cho vận hành vẫn cứ bán điện, cấm nhưng vẫn làm, giám sát vừa rút khỏi lại ngang nhiên tích nước. '
Các giáo sư đáng kính “cố đấm ăn xôi” trong việc coi thường và bất chấp dư luận thì các ông chủ của thủy điện coi thường mệnh lệnh chính quyền, tính mạng, tài sản của người dân.
Tiếc rằng, cái thái độ “cố đấm ăn xôi” xuất hiện khá nhiều trong xã hội của chúng ta hiện tại, ở nhiều lĩnh vực khác nhau…
Phaly - Pháp luật Plus