Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.
Quốc tế đánh giá cao triển vọng phát triển của Việt Nam
Về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho rằng, tình hình tháng 10 và 10 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực. Công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng, đạt 9,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng cao, gần 12%. Tháng 10 là tháng đầu tiên có lượng khách quốc tế đến nước ta đạt trên 1,6 triệu lượt, lũy kế 10 tháng, đạt gần 14,5 triệu lượt, tăng 13%.
Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số CPI bình quân 10 tháng năm 2019 tăng 2,48% so với bình quân cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tăng 7,4%, đặc biệt khu vực trong nước tăng 16,2%, cao hơn nhiều so với khu vực FDI là 3,9%. Xuất siêu 7 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt 16,2 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ các năm từ trước đến nay.
Đề cập đến việc Đoàn Việt Nam vừa dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Thái Lan và về nước vào sáng nay, Thủ tướng cho biết, chiếc búa Chủ tịch ASEAN 2020 đã được bàn giao cho Việt Nam.
Do vậy, năm sau, chúng ta đảm nhận 2 nhiệm vụ quan trọng là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Kết quả hội nghị ASEAN có sự thống nhất cao về tình hình khu vực, nhất là khu vực Biển Đông trong việc thực hiện Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 cũng như bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng không, hàng hải ở Biển Đông.
Thủ tướng khẳng định, đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 chúng ta cần đóng góp tốt nhất vào việc phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, nâng cao vị thế của ASEAN trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh có nhiều vấn đề phức tạp.
Cả nước có 114.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và có 34.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 24,8% so với cùng kỳ. “Tôi nói các nền tảng này rất quan trọng để chúng ta có năng lực sản xuất mới cho tăng trưởng bền vững, kể cả khu vực trong nước và nước ngoài ở Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho biết, các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao triển vọng phát triển của Việt Nam. “Chính phủ sẽ làm hết sức mình để phục vụ nhân dân, doanh nghiệp tốt hơn nữa, để phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin cho nhân dân”, Thủ tướng khẳng định.
Tuy nhiên, Chính phủ thấy rằng còn nhiều thách thức, tồn tại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đó là rủi ro từ bên ngoài, có tác động tới thương mại, ảnh hưởng đến đầu tư, tỷ giá của Việt Nam. Do đó, việc điều hành tỷ giá, chính sách tiền tệ cần thận trọng.
Về thách thức, bất cập nội tại, Thủ tướng lưu ý cải cách môi trường kinh doanh còn chậm khi mà theo Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới vừa công bố, mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 1,2 điểm nhưng xếp hạng thì giảm 1 bậc (từ vị trí 69 xuống vị trí 70/190 nền kinh tế được khảo sát) vì “anh tăng nhưng người ta còn tăng hơn anh nữa”.
Trong đó, cần lưu ý các chỉ số khởi sự kinh doanh, chỉ số cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, bảo vệ nhà đầu tư, giao dịch thương mại qua biên giới, giải quyết tranh chấp.
Quyết liệt hơn nữa, đẩy mạnh cải cách hành chính
Định hướng những tháng cuối năm, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được chủ quan, “tưởng hoàn thành kế hoạch, công bố hết rồi, báo cáo Quốc hội rồi thì không ổn, còn 2 tháng nữa, trách nhiệm rất nặng nề” trong khi cuối năm, có nhiều vấn đề đặt ra trong chỉ đạo, điều hành, mà nếu không quyết tâm tháo gỡ, xử lý kịp thời thì ảnh hưởng rất lớn. Cần quyết tâm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu trong năm 2019, tạo dư địa chính sách cho năm tới.
Thủ tướng yêu cầu, các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần phải quyết liệt hơn nữa, đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục cắt, giảm điều kiện đầu tư kinh doanh một cách thực chất hơn nữa, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Sang năm 2020, chúng ta cần phải làm việc mạnh mẽ việc này hơn nữa, trên tất cả các lĩnh vực; đây phải trở thành một cuộc cách mạng thực sự để Việt Nam chúng ta trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, một đất nước đổi mới sáng tạo và có tính cạnh tranh cao.
Bộ Công Thương chủ trì, tiếp tục theo dõi, bám sát, cập nhật, đánh giá đầy đủ tác động của căng thẳng thương mại, đưa ra các giải pháp, kịch bản kịp thời và phù hợp, trong đó đặt vấn đề mạnh mẽ hơn đối với đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.
Mặt khác, phải tập trung phát triển thị trường trong nước với gần 100 triệu dân; Bộ Tài chính làm đầu mối, tiếp tục theo dõi, đánh giá tình hình thị trường chứng khoán, tăng cường theo dõi, đánh giá các dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp qua thị trường chứng khoán.
Ngân hàng Nhà nước được giao tiếp tục theo dõi, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính tiền tệ quốc tế đối với các vấn đề tỷ giá, lãi suất. Tiếp tục kịp thời bảo đảm ổn định thị trường ngoại hối. Tạo điều kiện để chống chọi các cú sốc bên ngoài.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo hiệu quả công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, vấn đề gỡ thẻ vàng của EC cho thủy sản. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục có giải pháp phát triển du lịch đạt chỉ tiêu đề ra, kể cả nội địa và quốc tế.
Thủ tướng nhắc lại yêu cầu tiếp tục cải cách thủ tục trong lĩnh vực thuế. Theo đó, Bộ Tài chính làm đầu mối trình sửa đổi Nghị định 20 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, sớm hoàn thiện chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0; trình chiến lược thu hút FDI theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.
Trả lời nhóm câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, liên quan đến bản đồ có “đường lưỡi bò” trong các tác phẩm điện ảnh, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết vừa qua đã xử lý vụ việc “đường lưỡi bò” trong phim hoạt hình. Bộ đã xử lý trách nhiệm tổ chức cá nhân liên quan, Hội đồng duyệt phim với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu Cục Điện ảnh.
Bà Thủy nhấn mạnh đây là vụ việc có thể tái diễn nên đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đến hoạt động nghệ thuật, đặc biệt là Cục Điện ảnh phải kiện toàn lại nhân sự trong rà soát nội dung, cấp phép và phổ biến phim, tăng cường nhân lực và chất lượng đội ngũ. Kiện toàn lại Hội đồng duyệt phim Quốc gia, thành lập hội đồng và với lĩnh vực cụ thể có thể mời thêm chuyên gia để cùng phối hợp và hỗ trợ, tham vấn cho hội đồng.
Ngoài ra, Bộ cũng giao các đơn vị liên quan để xây dựng công cụ kỹ thuật công nghệ, hỗ trợ thêm cho hội đồng, cơ quan quản lý nhà nước rà soát hành vi vi phạm. Ví dụ giao cho trung tâm công nghệ rà soát hình ảnh, âm thanh và lời thoại trong phim.
Bộ cũng đề nghị cơ quan doanh nghiệp nâng cao tinh thần trách nhiệm, không được tùy tiện nhập ấn phẩm về và phó thác trách nhiệm cho cơ quan thẩm định. Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thông tin về trường hợp Trường Đại học Kinh doanh công nghệ có sách có nội dung “đường lưỡi bò”.
Theo đó, Bộ đã có công văn yêu cầu dừng ngay sử dụng và lưu hành, thu hồi giáo trình, rà soát quy trình thẩm định, lựa chọn giáo trình lưu hành trong nhà trường, làm rõ sai phạm các cá nhân có liên quan.