Không để cái giả lộng hành
Kinhte&Xahoi
Trong phiên chất vấn tại Quốc hội mới đây, nghị trường lại vang lên những tiếng nói đòi hỏi các cơ quan chức năng phải quyết liệt xử lý với những thứ giả đang tràn lan trong nhiều lĩnh vực hiện nay: bằng giả, hàng giả, phân bón giả, giấy tờ giả...
Đường dây làm giả giấy tờ bị phát hiện ở Nghệ An.
Rất đáng lưu ý là cái giả được chào bán công khai trên mạng như bằng giả hoặc tiền giả. Bộ trưởng Công an cho biết đã triệt phá đường dây sản xuất giấy tờ giả có quy mô và số lượng cực lớn, sản xuất ra đủ các loại giấy tờ từ bằng tốt nghiệp các cấp đến các loại giấy tờ chứng chỉ, chứng nhận, giấy phép lái xe rất tinh vi, y như thật.
Ông lưu ý các vụ bị phát hiện sử dụng giấy tờ giả chủ yếu chỉ xử lý hành chính, đặc biệt với việc sử dụng bằng lái xe giả gây tai nạn rất nguy hiểm cho xã hội. Có lẽ nguy hiểm hơn là những khách hàng của các cơ sở sản xuất bằng giả, chứng chỉ giả là cán bộ nhà nước và chỉ đối tượng này mới cần đến thứ đó mà có cả một đường dây rất lớn như vậy, chứng tỏ số lượng khách hàng này là rất đông, là “dư địa” dồi dào để cái giả khai thác.
Khác hẳn với khách hàng “tiềm năng” dùng bằng giả (chủ động mua cái giả) là người tiêu dùng bị lừa mua hàng giả. Bộ trưởng Công Thương trả lời chất vấn nói rằng đã phát hiện kho hàng giả cực lớn ở một tỉnh biên giới phía Bắc, từ đây hàng giả tập kết và tuồn đi khắp nước. Những cuộc bán hàng trực tiếp trên mạng bằng hình thức “livestream” là hàng hóa lấy từ kho này, chủ yếu là hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, hàng lậu.
“Tiếp tay” cho cái giả lộng hành, lừa dối khách mua hàng là những quảng cáo chào hàng giả dối trên truyền thông, một dẫn chứng ngay bây giờ là cái quảng cáo bán hàng anten tivi công nghệ Đức, bắt 100 kênh với các ưu đãi, cam kết chất lượng, hậu mãi,... đang xuất hiện ở hầu hết các phương tiện truyền thông, người mua bỏ ra 399.000 đồng để rước về một thứ “đểu” mà không làm sao liên hệ được với kẻ bán nó qua các số điện thoại bán hàng hoặc bảo hành.
Một sự lừa đảo như thế mà ngang nhiên tồn tại trên các báo lớn thì rất nhiều người bị mắc lừa. Đã đến lúc phải có chế tài để các phương tiện truyền thông có trách nhiệm về những quảng cáo đăng trên tờ báo của mình, cũng như đề xuất của Bộ trưởng Công an về xử lý hình sự đối với người dùng giấy tờ giả.
Nguy hiểm và nguy hại rất nhiều là những kẻ sản xuất phân bón giả mà không bị xử lý. Một lần nữa cái tên nhà sản xuất phân bón giả Thuận Phong lại vang trên diễn đàn Quốc hội. Sự dai dẳng này khiến dư luận nghi ngờ có sự bao che cho hành vi vi phạm pháp luật.
Phaly - Pháp luật Plus