Phun thuốc diệt muỗi phòng dịch sốt xuất huyết
Theo BS Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tính đến nay, Hà Nội nghi nhận 137 trường hợp mắc SXH, không có trường hợp nào tử vong, số ca mắc được phân bổ tại 23/30 quận huyện và 96/579 xã phường.
Mặc dù số ca mắc giảm 44,6% so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên trong thời gian tới số ca mắc SXH có thể gia tăng do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Hiện Hà Nội đã ghi nhận một số ổ dịch có nguy cơ gia tăng nhanh như xã Khánh Hà (huyện Thường Tín), xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai).
Theo các chuyên gia, nếu để dịch SXH bùng phát khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới và có nguy cơ tiếp tục “xâm nhập” vào Việt Nam, hệ quả sẽ rất khó lường với người bệnh và tạo áp lực cho hệ thống y tế. Bởi vậy, mỗi người dân, mỗi gia đình bên cạnh phòng chống dịch Covid-19 cần chủ động, tích cực xóa bỏ các điểm nguy cơ ngay trong nhà mình… nhằm phòng, tránh bệnh SXH cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng.
Cụ thể, người dân cần đảm bảo môi trường sống luôn sạch sẽ; thay nước, súc rửa bình chứa nước, bình hoa, đậy nắp khi không sử dụng hoặc úp xuống đất bất cứ vật dụng nào có thể chứa, đọng nước trong và xung quanh nhà như lu, chậu; phát quang bụi rậm, phun thuốc diệt muỗi nhà ở, vườn, các khu vực xung quanh nhà ở để hạn chế sự sinh sản của muỗi.
Đặc biệt, thời điểm này học sinh đã đi học trở lại, đòi hỏi nhà trường cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng dịch SXH, vệ sinh trường lớp thường xuyên bằng cách lau chùi, khử khuẩn sàn nhà, bàn ghế, vật dụng cá nhân, tay nắm cửa, phát quang bụi rậm quanh trường, dọn dẹp vật dụng chứa nước… Khu nhà trọ, công trình xây dựng cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ cao gây SXH cần được quan tâm, đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Chủ động phòng bệnh, người dân cũng nên lưu ý nâng cao sức đề kháng bằng cách ăn uống đầy đủ, dinh dưỡng hợp lý, tích cực bổ sung vitamin C, uống nhiều nước, ăn chín uống sôi...
Từ trường hợp nam thanh niên tạm trú tại Kiêu Kỵ (Gia Lâm) mắc SXH thời gian qua có thể thấy, SXH có biểu hiện giống bệnh nhân mắc Covid-19 là: sốt, đau nhức, ho, những ngày đầu khó phân biệt được. Vì vậy, nếu có triệu chứng này thì cần mang khẩu trang và đi tới cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và làm các xét nghiệm.
Sớm chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH, hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây nên, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn TP năm 2020. Theo đó, Hà Nội sẽ tổ chức đợt cao điểm phòng chống dịch bệnh với trọng tâm là triển khai đợt tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực nguy cơ cao.
BS Khổng Minh Tuấn cho biết: Việc phun hóa chất phòng chống dịch SXH có 2 phương án: Thứ nhất là phun tại các khu vực có nguy cơ cao, cụ thể có mật độ muỗi, chỉ số bọ gậy tăng cao; Thứ hai là tại khu vực có bệnh nhân, hay gọi là ổ dịch.
Bên cạnh đó, toàn thành phố tiếp tục, tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể trong công tác phỏng, chống dịch SXH; cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và hình thành thói quen cho cộng đồng về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH và khai báo cho cơ quan y tế địa phương khi mắc bệnh.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2020 tới nay, cả nước ghi nhận hơn 24.000 trường hợp mắc SXH tại 58 tỉnh, thành phố, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại Bình Định, Bình Phước, Cần Thơ và Tây Ninh. Tại Hà Nội, hàng năm đều ghi nhận số ca mắc SXH cao so với các tỉnh, TP khu vực miền Bắc, đặc biệt tại các quận nội thành và các huyện vùng ven đô. Năm 2019 toàn TP ghi nhận 12.256 trường hợp mắc SXH, không có ca tử vong. |