Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Ảnh: Media.quochoi.vn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nêu một số kết quả cụ thể của chương trình, trong đó: Giải ngân vốn đầu tư công bao gồm cả vốn đầu tư của năm 2022 kéo dài sang năm 2023 đạt 77% kế hoạch. Kết quả giải ngân vốn sự nghiệp bao gồm cả vốn sự nghiệp của năm 2022 kéo dài sang năm 2023 đạt 28% kế hoạch.
Quý I-2024, theo báo cáo của Bộ Tài chính, vốn đầu tư công giải ngân đến hết tháng 3 của chương trình ước đạt được khoảng 2.110,772 tỷ đồng, đạt 14% kế hoạch. Vốn sự nghiệp giải ngân ước chỉ đạt được khoảng 38,385 tỷ đồng, đạt 1% kế hoạch.
“Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và kết quả thực hiện chương trình, cần thiết phải đề xuất điều chỉnh một số nội dung tại chủ trương đầu tư chương trình liên quan đến Điểm b Khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 120/2020/QH14; đối tượng tham gia thực hiện chương trình tại các dự án Dự án 4, Dự án 5, Dự án 6, Dự án 7”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nói.
Báo cáo của Chính phủ khẳng định, việc điều chỉnh chủ trương không làm tăng tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 120/2020/QH14. Chương trình được phê duyệt điều chỉnh sẽ có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần khắc phục khó khăn, vướng mắc hiện nay, tạo điều kiện giải ngân theo đúng quy định nguồn vốn của các dự án, tiểu dự án đã được Quốc hội quyết định, bố trí vốn cho các đối tượng nêu trên với tổng kinh phí dự kiến khoảng 4.142,805 tỷ đồng.
Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm. Ảnh: Media.quochoi.vn.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu đa số ý kiến cho rằng, do nội dung điều chỉnh không lớn, Hội đồng Dân tộc nhất trí và đề nghị Quốc hội cho bổ sung nội dung về vấn đề trên vào Nghị quyết chung của kỳ họp, không ban hành nghị quyết riêng.
Hội đồng đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định, bổ sung vào Nghị quyết kỳ họp nội dung: “Quốc hội thống nhất về nguyên tắc điều chỉnh một số nội dung liên quan chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Giao Chính phủ chỉ đạo rà soát và quyết định ban hành danh mục đầu tư cụ thể về: các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc; các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú; các trung tâm y tế huyện, bệnh viện tuyến huyện; các di tích, dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, nằm trong và ngoài danh mục địa bàn xã, thôn (bản) vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định hiện hành, ưu tiên địa bàn vùng khó khăn.
Việc điều chỉnh bảo đảm các nguyên tắc, hiệu quả đầu tư và mục tiêu chương trình theo Nghị quyết 120/2020/QH14 và không vượt quá tổng mức vốn của Chương trình đã được Quốc hội quyết định trong giai đoạn 2021-2025”.
Tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng xây dựng đoạn cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành
Cũng trong sáng nay, các đại biểu Quốc hội nghe tờ trình và thẩm tra tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước).
Đường cao tốc này thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, là trục giao thông quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh.
Phạm vi đầu tư khoảng 128,8km, trong đó tuyến đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông là 27,8km; qua địa phận tỉnh Bình Phước 101km.
Theo quy hoạch, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có quy mô 6 làn xe. Dự án được phân chia thành 5 dự án thành phần. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 25.540 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước tham gia 12.770 tỷ đồng, ngân sách địa phương 2.233,5 tỷ đồng và vốn nhà dầu tư thu xếp là 12.770 tỷ đồng.
Dự án được giải phóng mặt bằng trong năm 2024 và 2025; thi công từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành năm 2026.
Bảo Hân - Hà Nội mới