Ảnh minh họa.
Theo Thủ tướng, Chính phủ tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và thực hiện chuyển giao nhiệm vụ cho Chính phủ khóa mới theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước, quy định pháp luật với tinh thần là bảo đảm tính kế thừa, phát huy công khai, minh bạch cả về việc chuyển giao nhiệm vụ, công việc và công tác cán bộ, bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện các báo cáo gửi Quốc hội và các đại biểu Quốc hội theo đúng thời hạn quy định. Về văn bản quy phạm pháp luật, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là các bộ, cơ quan đến hết tháng 3/2021 không còn nợ đọng văn bản hướng dẫn pháp luật nào, dứt khoát không bàn giao văn bản nợ đọng cho Chính phủ nhiệm kỳ mới.
Nhìn lại cả nhiệm kỳ vừa qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế các bộ, cơ quan đã nỗ lực, chủ động, tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết và đạt được nhiều kết quả.
Theo đánh giá của Tổ công tác của Thủ tướng, những năm gần đây tư duy xây dựng văn bản đổi mới hơn, từ quản lý thắt chặt sang tạo hành lang, khuyến khích phát triển, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Tính chung giai đoạn 2016 - 2020, đã cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.
Việc xây dựng văn bản quy định chi tiết được cải cách mạnh mẽ về tư duy và phương pháp, hướng tới sự thống nhất và tạo thuận lợi cho người người dân, doanh nghiệp. Trong năm 2020, các bộ, cơ quan đã thực hiện việc tích hợp từ 49 văn bản quy định chi tiết luật có hiệu lực từ 01/01/2021 xuống còn 29 văn bản, giảm 20 văn bản so với phân công, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ từng chỉ đạo: “Cắt giảm tối đa số lượng văn bản quy định chi tiết theo hướng một luật chỉ ban hành tối đa 2 nghị định quy định chi tiết, trường hợp đặc thù báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định; 1 nghị định chỉ ban hành 1 thông tư hướng dẫn”, điều này đã được rốt ráo thực hiện.
Với tinh thần khách quan và cầu thị, các bộ, cơ quan đã thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân đối với những trường hợp “nợ đọng” và tìm biện pháp giải quyết. Không có gì có ý nghĩa kiến tạo và phục vụ quan trọng bằng xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống.
Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus