Theo kế hoạch, ngày mai (thứ 5), Quốc hội sẽ thảo luận về Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi). Đây là luật quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội hôm nay và mai sau…
Nhìn lại quá khứ, có lẽ Việt Nam ta là một trong số quốc gia đầu tiên trên thế giới quan tâm sâu sắc đến vấn đề môi trường.
Dẫn chứng, cách đây hơn 60 năm (1959), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động Tết trồng cây vào đầu năm mới: “Mùa xuân là tết trồng cây – Để cho đất nước càng ngày càng xuân”.
Trong khi đó, phải hơn 10 năm sau (1970), thế giới mới bắt đầu quan tâm đến “ngôi nhà xanh” của chúng ta.
Tiếc rằng, do chiến tranh và một số khó khăn, tinh thần này không được phát huy một cách liên tục.
Với Việt Nam hiện nay, đây là thời điểm rất quan trọng, có tính quyết định tới “số phận” của môi trường bởi chúng ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, thời điểm mà môi trường dễ bị tàn phá nhất.
Bài học từ một số quốc gia và cả của ta cho thấy, những “di sản” môi trường để lại thường rất khó có thể phục hồi và sẽ vô cùng tốn kém.
Vì thế, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta là kiên quyết không đổi ô nhiễm môi trường lấy phát triển kinh tế là một chủ trương đúng đắn.
Trong phiên thảo luận về Luật bảo vệ môi trường sửa đổi vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ bảo vệ môi trường là sai lầm”.
Muốn vậy, theo người viết bài này, thứ nhất, Luật sửa đổi phải phân công rõ trách nhiệm, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc” hiện nay.
Tuy có tới 4-5 cơ quan tham gia lĩnh vực này, khi bình thường, ai cũng muốn “vơ vào” nhưng khi xảy ra sự cố, không biết trách nhiệm thuộc về ai. Đặc biệt, cần ngăn chặn tình trạng “công tranh, lỗi chối”.
Thứ hai, xóa bỏ tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” hiện nay.
Cụ thể, được biết, ngành nông nghiệp hiện quản lý tới 80% lượng nước sử dụng của cả nước nhưng quản lý nhà nước về nước, về môi trường đều tích hợp trong công trình thủy lợi do Luật thủy lợi qui định.
Rồi cơ quan quản lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên lại nằm chung một bộ với cơ quan quản lý khai thác lâm nghiệp…
Nói nôm na, cái ông sử dụng lại chính là ông quản lý như lời Thủ tướng “Phải làm rõ vai trò của các bộ, ngành, không để một Bộ “vừa đá bóng vừa thổi còi” – Ông Phúc nói.
Có lẽ trong cơ cấu tổ chức nhiệm kỳ tới, cần xóa bỏ điều bất hợp lý này ở tất cả các lĩnh vực, không để tình trạng cơ quan quản lý và đơn vị sử dụng cùng trong một nhà.
Thứ ba, một vấn đề đang rất cần làm rõ trách nhiệm nhà nước và trách nhiệm người dân, đặc biệt là vai trò của Nhà nước đối với những vấn đề thuộc về lịch sử.
Cụ thể hơn, với những địa chỉ ô nhiễm nhưng do thời gian đã lâu nên không xác định được “thủ phạm” thì sẽ xử lý như thế nào? Nguồn kinh phí từ đâu?...
Thực trạng hiện nay cho thấy, nhiều dòng sông đang ô nhiễm trầm trọng. Vậy, xử lý việc này như thế nào?
Đây là vấn đề lớn và rất khó giải quyết ở tầm bộ, ngành. Do đó, việc sửa đổi Luật bảo vệ môi trường cũng là cơ hội để Quốc hội quyết cho công việc gian nan này, nhằm đưa luật vào cuộc sống.
Xin nhắc lại, phương châm kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Song, từ chủ trương đến thực tế luôn là khoảng cách.
Hi vọng rằng Luật bảo vệ môi trường sửa đổi sẽ tạo thành cuộc cách mạng cho lĩnh vực này bởi Người đứng đầu Chính phủ rất kiên quyết và cam kết: “Chưa nhận thức đúng mức, chưa cương quyết nên việc này lặp đi lặp lại nhiều nơi nhức nhối…
Bộ máy phải mạnh, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, có kiến thức, phương tiện, công cụ kiểm tra. Chính phủ sẽ tiếp thu để có hành động mạnh mẽ hỡn nữa, tránh “biết rồi nói mãi” về vấn đề ô nhiễm môi trường”.
Xin đừng để môi trường trở thành “độc dược”, luôn rình rập đe dọa cuộc sống của mỗi chúng ta.
Chợt nhớ câu nói của Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu: “Không thể có ý nghĩ sạch trong một căn phòng bẩn”.
Bùi Hoàng Tám