Như thông tin chúng tôi đã phản ánh về thực trạng đầu tư xây dựng tại Khu đô thị Chi Đông sau hơn 14 năm vẫn bị hoang hóa quỹ đất một cách lãng phí. CĐT dự án là liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O và Công ty cổ phần xây dựng Vinaconex 9 sau khi giải phóng mặt bằng (GPMB) quỹ đất nông nghiệp rồi phân lô bán nền hưởng lợi nhuận chênh lệch rất cao nhưng lại không thực hiện nghĩa vụ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình công cộng phục vụ dự án khiến cho khách hàng mua đất tại dự án gặp nhiều khó khăn, quỹ đất tại địa phương bị hoang hóa vô cùng lãng phí, chính quyền địa phương thì “bất lực” trong việc kiểm soát dự án.
BQLDA Khu đô thị Chi Đông thường xuyên trong tình trạng “cửa đóng then cài”, không người làm việc.
“Đá bóng” trách nhiệm
Sau rất nhiều phản ánh của khách hàng mua đất nền tại dự án Khu đô thị Chi Đông và người dân Mê Linh bị mất đất canh tác nông nghiệp về thực trạng “xấu xí” của dự án, PV đã vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc dự án bị bỏ hoang và không được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng.
Trong khi chính quyền huyện Mê Linh “than” khó trong công tác kiểm tra, giám sát và quản lý hồ sơ pháp lý của các dự án đầu tư bất động sản trên địa bàn huyện Mê Linh do nguyên nhân từ việc thay đổi địa giới hành chính dẫn đến việc không thống nhất về công tác quản lý và lưu trữ hồ sơ thì liên danh CĐT dự án lại “đổ” trách nhiệm cho nhau.
Trong quá trình tìm hiểu thông tin về dự án Khu đô thị Chi Đông, PV gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về dự án khi nhận thấy sự thoái thác trách nhiệm giữa 2 doanh nghiệp là CĐT dự án. Khi làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O đề nghị cung cấp hồ sơ pháp lý về dự án Khu đô thị Chi Đông và làm rõ những bức xúc của khách hàng đối với CĐT dự án. Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O không nắm được thông tin về dự án và hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án Khu đô thị Chi Đông.
Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O nêu lý do chưa cung cấp thông tin cho báo chí vì Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O chỉ là đơn vị liên danh để thực hiện dự án Khu đô thị Chi Đông nên việc cung cấp thông tin trả lời báo chí phải thống nhất với Công ty cổ phần xây dựng Vinaconex 9.
Điều đáng nói là, sau khi PV đặt các câu hỏi phỏng vấn lãnh đạo Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O theo đề nghị của Giám đốc truyền thông Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O nhằm rộng đường dư luận nhưng sau nhiều lần liên lạc với Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O thì đại diện của Công ty này lại né tránh báo chí và thoái thác việc thông tin cho báo chí.
Tương tự như Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O, Công ty Cổ phần xây dựng Vinaconex 9 từ chối cung cấp thông tin về dự án Khu đô thị Chi Đông với lý do dự án Khu đô thị Chi Đông đang được CĐT xin điều chỉnh quy hoạch. Lạ là, ông Phạm Ngọc Hùng, Giám đốc Ban quản lý dự án (BQLDA) Khu đô thị Chi Đông lại ra lý do từ chối cung cấp thông tin do không thể đại diện cho Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (?!)
Thông tin về Khu đô thị Chi Đông được CĐT quảng cáo với những “lời có cánh” khác xa với thực tế.
Vô cảm?
Liên danh CĐT Khu đô thị Chi Đông là Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O và Công ty Cổ phần xây dựng Vinaconex 9 đã thể hiện sự vô cảm trước những bức xúc của khách hàng và người dân, vô cảm trước những vấn đề thuộc về trách nhiệm của CĐT cần phải thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Là Giám đốc BQLDA Khu đô thị Chi Đông nhưng ông Phạm Ngọc Hùng lại tỏ ra vô cảm khi đưa ra nhận định cơ sở hạ tầng phục vụ Khu đô thị Chi Đông cơ bản đã được CĐT hoàn thành, “các hạng mục hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư xây dựng sẽ được CĐT hoàn thành nếu có dân đến ở”(?!). Trong khi giá trị cốt lõi của một dự án khu đô thị, khu nhà ở là những tiện ích do CĐT tạo nên, cơ sở hạ tầng đồng bộ và hoàn thiện mới thu hút được khách hàng và dự án đó mới thực sự có giá trị. Trên thực tế, hệ thống đường giao thông nội bộ của Khu đô thị Chi Đông còn chưa được CĐT chú trọng đầu tư, thậm chí còn chưa được đấu nối vào hệ thống đường giao thông khu vực…
Giám đốc BQLDA Khu đô thị Chi Đông cũng thừa nhận: Tháng 10/2016, thành phố Hà Nội đã có quyết định thu hồi 2,5ha đất quy hoạch xây dựng trường học tại dự án này. Thiết nghĩ, từ thực trạng đầu tư xây dựng Khu đô thị Chi Đông, cơ quan quản lý nên coi đây là một trong những “bài học nhãn tiền” trong công tác quản lý và chấp thuận giao đất để thực hiện các dự án, tránh gây lãng phí nguồn tài nguyên và dẫn đến những hệ lụy cho quy hoạch. Tương lai của dự án Khu đô thị Chi Đông sẽ ra sao? Số phận của khách hàng đã “móc hầu bao” mua đất dự án sẽ như thế nào? Trách nhiệm của CĐT có được đảm bảo thực hiện?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc diễn biến vụ việc.
Được biết, mới đây UBND huyện Mê Linh đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội báo cáo các dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện Mê Linh. Theo đó, tổng số dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện là khoảng 60 dự án (gồm 47 dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị). UBND huyện Mê Linh cũng báo cáo và đề nghị thu hồi đối với 08 dự án xây dựng đô thị từ khi Mê Linh sáp nhập vào Hà Nội, đến nay UBND huyện Mê Linh vẫn “bất lực” trong việc liên lạc với chủ đầu tư. |
Theo KD&PL