Phế liệu được thu mua có đủ các chủng loại như: Giấy, ni lông, vỏ, ruột xe, sắt, thép, nhựa, tủ lạnh, ti vi, máy giặt, bình gas đã qua sử dụng… nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.
Mới đây, chiều tối 26-10, tại Khu đô thị Hồng Hà Eco City (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) xảy ra vụ cháy cơ sở thu mua phế liệu, đây là căn nhà tạm của hai vợ chồng làm nghề thu gom phế liệu được quây lại bằng tôn trên khu đất trống.
Người dân sống xung quanh cho biết, sau một tiếng nổ lớn, ngọn lửa bùng phát nhanh chóng bao phủ trước cửa ra vào, trong khi ngôi nhà bị rào kín bằng tôn và không có cửa thoát phía sau. Lực lượng chức năng đã có mặt kịp thời để chữa cháy, khống chế được ngọn lửa sau khoảng 15 phút. Tuy nhiên, người vợ và 2 con nhỏ trong nhà đã tử vong vì ngạt khói; người chồng bị bỏng nặng, được đưa đi cấp cứu. Nguyên nhân vụ hỏa hoạn đang được các lực lượng chức năng tiến hành điều tra xác định.
Vụ cháy kho phế liệu làm 3 người tử vong.
Vì vậy, để hạn chế cũng như bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở thu, mua phế liệu, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo chủ các cơ sở và người dân quan tâm, thực hiện một số nội dung sau:
1. Các điểm thu mua phế liệu, kho bãi phải được xây dựng tại một khu vực rộng, thông thoáng, tránh ở gần các cơ sở sản xuất lương thực, thực phẩm, bệnh viện, trường học, các nơi tập trung đông dân cư.
2. Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Trong đó, chú trọng việc quản lý chặt chẽ các loại hàng hóa dễ cháy nổ, các nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt; bảo đảm điều kiện an toàn PCCC trong quá trình hoạt động.
3. Cần quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng nhà xưởng, kho bãi đáp ứng yêu cầu an toàn về PCCC, trong đó, bố trí hệ thống kỹ thuật an toàn, có tường ngăn cháy, bảo đảm khoảng cách ngăn cháy lan. Xây dựng và tổ chức thực tập phương án PCCC tại cơ sở, lập đội PCCC tại chỗ và huấn luyện nghiệp vụ PCCC theo đúng quy định.
4. Phân loại, sắp xếp phế liệu thành từng lô, mỗi lô cách nhau 1,2m và cách tường 0,5m; cách trần và cách đèn 0,5m; có biện pháp bảo quản tốt đối với các loại phế liệu nguy hiểm như vỏ bình gas cũ, thùng chứa hóa chất, phế liệu chiến tranh…
5. Lắp thiết bị bảo vệ (cầu chì, rơ le, Aptomat…) cho hệ thống điện và từng thiết bị điện tiêu thụ điện công suất lớn. Hệ thống điện trong khu vực để hàng hóa phải bảo đảm kín, đường dây dẫn điện phải đi trong ống ghen bảo vệ, bóng đèn điện phải được chụp kín bằng vật liệu không cháy, tủ điện, bảng điện phải được lắp đặt bên mái tường ngoài của kho bằng vật liệu không cháy. Thường xuyên tổ chức tự kiểm tra hệ thống điện.
6. Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện PCCC được trang bị.
7. Không bố trí phế liệu, vật dụng, phương tiện cản trở đường lối, cửa thoát nạn đặc biệt là trước cửa ra vào. Không sắp xếp hàng hóa, vật dụng che chắn, cản trở lối thoát nạn tại cầu thang, hành lang, ban công, đồ dùng sinh hoạt, hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt ít nhất 0,5m.
8. Không dự trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy nổ và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà ở, khu vực để hàng hóa.
9. Kho, bãi và các điểm thu mua phải có người thường trực 24/24 giờ, tổ chức bảo vệ, tuần tra canh gác ban đêm để kịp thời phát hiện và chữa cháy tại chỗ.
10. Phế liệu dễ cháy tuyệt đối không để gần nơi thờ cúng, khu vực bếp. Tuyệt đối không đốt hương, thờ cúng, đun nấu trong khu vực kho, nơi để hàng hóa. Khi đốt nến, thắp hương phải có người trông coi. Tắt các thiết bị điện không cần thiết và kiểm tra kỹ nơi đun nấu, nơi thờ cúng trước khi ra ngoài cũng như trước khi đi ngủ.
11. Tổ chức tuyên truyền kiến thức về PCCC&CNCH đến toàn thể nhân viên, tổ chức huấn luyện kỹ năng chữa cháy cơ bản, kỹ năng thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra.
12. Không hút thuốc hoặc không đem vào nơi làm việc các vật dụng dễ cháy.
13. Không hàn, cắt kim loại dưới mọi hình thức, đốt dây dẫn điện để lấy lõi đồng.
14. Kho, bãi phế liệu phải có mái che tránh mưa, nắng, bốc mùi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, bảo đảm sức khỏe cho công nhân làm việc.
15. Bố trí ít nhất 2 cửa đi thoát nạn, cửa thoát nạn mở ra phía ngoài nhà và không khóa, chèn, chặn cửa thoát nạn trong quá trình hoạt động.
16. Đối với cơ sở vừa là nơi ở, vừa là nơi kinh doanh phế liệu, cần trang bị đèn chiếu sáng sự cố, bảng chỉ dẫn thoát nạn; các đèn chiếu sáng phải có thiết bị bảo vệ tránh tia lửa điện rơi vào vật liệu gây cháy; cầu dao, bảng điện phải đặt bên ngoài kho hàng và được ốp bảo vệ bằng vật liệu không cháy.
17. Niêm yết bảng nội quy, tiêu lệnh PCCC, bảng cấm lửa, cấm hút thuốc, trang bị phương tiện PCCC tại chỗ theo quy định. Lắp đặt các thiết bị cảnh báo cháy sớm (Hệ thống báo cháy tự động), trang bị đầy đủ phương tiện chữa cháy tại chỗ ban đầu (Nước, chăn chiên, xẻng, xô cát, bình chữa cháy xách tay) để dập tắt đám cháy ngay từ khi cháy mới phát sinh; trang bị mặt nạ phòng độc, khăn mềm để phòng chống ngạt khói và chuẩn bị các dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, kìm cộng lực, xà beng) để tạo lối thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra.
18. Khi xảy ra cháy, tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số điện thoại 114, sử dụng App BAOCHAY 114, thông tin cho Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an quận hoặc Công an phường gần nhất. Đồng thời, tổ chức chữa cháy và tổ chức thoát nạn, cứu người bị nạn, di chuyển tài sản ra nơi an toàn.
Thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn PCCC tại các cơ sở nói chung và cơ sở phế liệu nói riêng là một trong những biện pháp tích cực để bảo vệ sức khỏe, tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chu Dũng - Hà Nội mới